Lộn xộn trông giữ xe gầm cầu: Khó xóa nếu không quyết liệt
Đời sống - Ngày đăng : 06:36, 15/11/2012
(HNM) - Thời gian qua, tình trạng vi phạm tại các gầm cầu phổ biến trên địa bàn Hà Nội. Hàng nghìn mét vuông gầm cầu vượt Pháp Vân đã bị biến thành hàng quán sửa chữa, buôn bán phụ tùng ô tô, tập kết vật liệu xây dựng, chứa hàng hóa.
Gầm đường dẫn cầu Chương Dương cũng bị biến thành nơi trông giữ xe với hàng rào bao kín ra tận mép đường. Gầm cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, gầm cầu vượt Đại lộ Thăng Long, cầu vượt Mai Dịch, gầm cầu Thăng Long… cũng được các cơ quan quản lý "bật đèn xanh" cho sử dụng.
Bãi gửi xe dưới chân cầu Chương Dương. Ảnh: Linh Tâm |
Theo Nghị định số 11/2010/ NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khai thác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ. Điều 10, Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18-5-2011 của Bộ GTVT cũng quy định, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất ATGT, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng Sở GTVT từng biện minh rằng, các điểm đỗ xe dưới gầm cầu đã tồn tại từ trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 39. Nhưng không lý giải tại sao từ khi Thông tư 39 có hiệu lực, các bãi đỗ xe không được dẹp bỏ, mà ngang nhiên tồn tại.
Thông tư 39 cho phép sử dụng gầm cầu đường bộ làm bãi đỗ xe tạm thời, nhưng phải được UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng đối với gầm cầu đường bộ trong đô thị do địa phương quản lý, Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu khi bị thanh tra đã không xuất trình được quyết định của UBND TP, như HTX Thành Công sử dụng gầm cầu vượt Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Ý nghĩa của từ "tạm thời" cũng không được thể hiện khi các bãi đỗ xe, cửa hàng kinh doanh chiếm dụng các gầm cầu tồn tại nhiều năm qua.
Sở GTVT cho rằng, việc sử dụng gầm cầu nói trên là do Hà Nội khó khăn về điểm đỗ xe. Nhưng khó có thể chấp nhận được lý do này. Vì việc bảo đảm an toàn kỹ thuật các công trình hạ tầng rất cần thiết, không thể vì thiếu điểm đỗ xe mà vi phạm các quy định, gây mất an toàn các công trình cầu, đường. Chưa có tai nạn, sự cố nào xảy ra, không có nghĩa không thể xảy ra. Chưa kể, hầu hết các khu vực gầm cầu bị vi phạm, không chỉ dùng làm bãi đỗ xe, mà còn dùng để tập kết hàng hóa, kinh doanh dịch vụ. Liệu có thể lấy lý do vì Hà Nội thiếu điểm tập kết hàng hóa, thiếu nơi kinh doanh dịch vụ để sử dụng gầm cầu một cách mất trật tự như vậy?
Để chấm dứt tình trạng vi phạm tràn lan này, lãnh đạo UBND TP đã tỏ rõ thái độ và quan điểm đối với việc quản lý khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao trên địa bàn TP. Thảo luận về tờ trình tăng phí cho thuê sử dụng hè, lề đường… làm điểm trông giữ xe để trình thông qua tại kỳ họp HĐND TP cuối năm nay, tập thể UBND TP đã thống nhất không đưa gầm cầu, gầm đường trên cao vào danh mục khu vực cho thuê sử dụng làm bãi trông giữ xe.
Chỉ đạo vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, TP chủ trương không cho trông giữ xe dưới gầm cầu. Đối với các khu vực gầm cầu đang sử dụng, TP sẽ thu hồi từng bước, tiến tới xóa bỏ để bảo đảm ATGT. Riêng khu vực gầm đường Vành đai 3 trên cao, tuyệt đối không được sử dụng làm điểm trông giữ xe, kinh doanh dịch vụ. Kể cả Sở GTVT hay cơ quan nào đã ký hợp đồng với các đơn vị cũng nghiêm cấm sử dụng. TP sẽ tổ chức trồng cỏ, trồng cây tạo thêm không gian xanh trên tuyến đường này. Đây cũng sẽ là mô hình áp dụng đối với tất cả những gầm cầu, gầm đường trên cao trên địa bàn TP sau này.
Như vậy, quan điểm và quyết tâm của chính quyền TP nhằm xóa bỏ tình trạng sử dụng khu vực gầm cầu trên địa bàn đã rõ. Nhưng để quyết tâm trở thành hiện thực, nên chăng TP cần khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ các khu vực vi phạm để có bức tranh toàn cảnh, làm rõ các đối tượng vi phạm và mức độ vi phạm… Trên cơ sở đó đề ra giải pháp, lộ trình từng bước xóa bỏ các bãi trông giữ xe, các địa điểm kinh doanh, tập kết vật liệu, hàng hóa… lấn chiếm gầm cầu. Chỉ có cụ thể hóa như vậy, tình trạng sử dụng gầm cầu mất mỹ quan đô thị hiện nay mới sớm được chấm dứt, trả lại cho đô thị Hà Nội những khoảng không gian cần thiết, bảo đảm an toàn kỹ thuật cho các công trình giao thông.