Quyết định khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 15/11/2012
Đây được xem là bước đi quan trọng giúp Thủ tướng Y.Noda cụ thể hóa cam kết với các nhà lãnh đạo đối lập hồi tháng 8 vừa qua rằng, sẽ sớm giải tán Hạ viện để nhận được sự ủng hộ của họ trong việc thông qua dự luật tăng gấp đôi mức thuế tiêu dùng từ 5% hiện nay lên 10% vào năm 2015.
Thủ tướng Yoshihiko Noda muốn cải cách kinh tế thông qua cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ nội các đương nhiệm chỉ còn chưa đầy 20%, Thủ tướng Y.Noda hy vọng một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn (giải pháp cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi từng áp dụng năm 2005) sẽ mở đầu một cuộc cải cách kinh tế sâu rộng mới với đất nước Mặt trời mọc, trong đó có mục tiêu theo đuổi tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu và Thỏa thuận tự do thương mại (FTA) tay ba: Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc. Tuy nhiên, đề xuất của Thủ tướng Y.Noda ngay lập tức đã gây những phản ứng trái chiều trong dư luận Nhật Bản, đặc biệt là sự phản đối quyết liệt của các thành viên nội bộ đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền.
Một mực phản đối kế hoạch giải tán Hạ viện để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào cuối năm nay, nhiều nghị sĩ DPJ cầm quyền cho rằng động thái này có thể làm bùng nổ tranh cãi chính trị dẫn tới việc Thủ tướng Y.Noda phải rời chức vụ sau hơn một năm nắm quyền. Khẳng định rằng nếu Hạ viện bị giải tán DPJ sẽ không thể giữ được chính quyền khi tỷ lệ ủng hộ nội các giảm mạnh chưa từng thấy, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Yoshikatsu Nakayama đã kêu gọi Thủ tướng Y.Noda từ chức nếu cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra. Theo ông Nakayama, một trong những giải pháp tốt nhất mà Chính phủ hiện nay cần làm là chọn ai đó thay thế Thủ tướng Y.Noda.
Cùng quan điểm với Tổng Thư ký DPJ Azuma Koshiishi, cựu Bộ trưởng Nông - Lâm - Ngư nghiệp Michihiko Kano cũng nhấn mạnh rằng, quyết định của Thủ tướng Y.Noda có thể tạo "khoảng trống chính trị" không mong muốn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura lại không đồng tình với những phát biểu gần đây của một số thành viên nội các về vấn đề giải tán Hạ viện khi yêu cầu các bộ trưởng "tránh đưa ra những phát ngôn thiếu thận trọng" về thời gian giải tán Hạ viện, bởi quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Thủ tướng.
Đề xuất giải tán Hạ viện của Thủ tướng Y.Noda được đưa ra đúng thời điểm nền kinh tế Nhật Bản đang gặp không ít khó khăn khi nợ công đã lên mức 236% GDP. Phát biểu trong một cuộc họp gần đây tại Hạ viện, Thủ tướng Y.Noda cảnh báo hoạt động của Chính phủ có thể bị tê liệt, kinh tế có thể bị đình trệ do ngân sách cạn kiệt nếu phe đối lập không chấp nhận để Chính phủ phát hành đợt công trái mới. Sở dĩ phe đối lập từ chối thông qua việc phát hành công trái mới là vì tháng 8 vừa qua Thủ tướng Y.Noda tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử Hạ viện trước thời hạn. Mới đây nhất, hai đảng đối lập chính ở Nhật Bản đã trình lên Hạ viện đề xuất về bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng Y.Noda nếu không giải tán Hạ viện vào cuối năm nay. Theo Hiến pháp, nếu Hạ viện thông qua đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ, toàn thể nội các của Thủ tướng Y.Noda phải từ chức, nếu không Hạ viện sẽ bị giải tán trong vòng 10 ngày.
Trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" đó, Thủ tướng Y.Noda không còn lựa chọn nào khác phải đi đến quyết định giải tán Hạ viện để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào cuối năm nay hoặc muộn nhất vào ngày 20-1-2013. Nhưng, các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy, DPJ có thể thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sớm, bởi tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Y.Noda đã giảm xuống dưới ngưỡng nguy hiểm 20%.