Một vụ đòi bồi thường lạ lùng

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:23, 15/11/2012

(HNM) - Một doanh nghiệp được chính quyền giao đất để xây dựng trụ sở giao dịch - giới thiệu sản phẩm và kho từ năm 2007, nhưng sau 5 năm, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa hoàn thành.


"Nút thắt" lớn nhất là việc di dời một hộ gia đình trong phạm vi dự án. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các sở, ngành, chính quyền địa phương và chỉ đạo của thành phố, sự vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ, đền bù nhưng đến nay hộ dân này vẫn chưa chấp thuận di chuyển đến vị trí tái định cư.


Dự án 5 năm không thể triển khai vì một hộ không chịu giao đất GPMB.

Năm năm không giải phóng được mặt bằng

Ngày 24-7-2007, Công ty TNHH SX&DVXK Nguyễn Hoàng (Công ty Nguyễn Hoàng), có trụ sở chính tại số 45, phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án xây dựng trụ sở giao dịch, giới thiệu sản phẩm và kho tại địa bàn xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Dự án gồm 5.196m2 đất nông nghiệp của 38 hộ dân được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP và 400m2 đất công do UBND xã Mỹ Đình quản lý. Ngày 21-6-2007, Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất đã có văn bản hướng dẫn công ty tiến hành công tác bồi thường, GPMB. Đến tháng 9-2009, đã có 34/38 hộ dân ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Nguyễn Hoàng, diện tích là 4.518m2. Còn lại bốn hộ khác với diện tích 678m2, công ty chưa thỏa thuận được.

Ngày 15-10-2009, UBND thành phố có Quyết định số 5321/QĐ-UBND thu hồi 678m2 đất nông nghiệp của bốn hộ dân kể trên và 400m2 đất công do UBND xã Mỹ Đình đang quản lý, cùng với diện tích công ty đã thỏa thuận được với 34 hộ dân, giao cho Công ty Nguyễn Hoàng thuê để thực hiện dự án đã được phê duyệt. Như vậy tổng diện tích đất Công ty Nguyễn Hoàng được giao là 5.596m2. Tuy nhiên bốn hộ sử dụng đất nông nghiệp gồm các ông, bà Vũ Quang Suốt, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Thị Bộ đã không chấp thuận di dời. Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Từ Liêm đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ và nhiều lần vận động, thuyết phục các hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng theo quy định nhưng bốn hộ trên không chấp hành. Vì vậy UBND huyện Từ Liêm đã ra quyết định cưỡng chế ba hộ, còn lại hộ ông Vũ Quang Suốt chưa cưỡng chế được. Gia đình ông Vũ Quang Suốt thuộc diện chính sách ở địa phương (bố đẻ ông Suốt là liệt sĩ), sau khi có quyết định thu hồi 96m2 đất nông nghiệp hộ ông Suốt được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP, chính quyền huyện Từ Liêm đã tạo điều kiện để chủ đầu tư thỏa thuận mức đền bù. Công ty Nguyễn Hoàng đã cam kết, ngoài tiền hỗ trợ, còn bố trí một căn hộ trị giá 2,7 tỷ đồng tại khu đô thị Mỹ Đình, mua thêm một ki ốt kinh doanh tại chợ Mỹ Đình để tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, gia đình ông Suốt vẫn không chấp thuận.

"Tạo tiền lệ xấu trong công tác GPMB ở địa phương"

Đó là đánh giá của ông Trịnh Văn Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình khi nói về trường hợp "nan giải" trong GPMB cho dự án Công ty Nguyễn Hoàng. Lo lắng của ông Quế là có cơ sở khi chỉ tính riêng trên địa bàn xã Mỹ Đình hiện cũng đang triển khai 6 dự án lớn nhỏ với tổng số hộ dân còn tồn đọng trong công tác GPMB lên đến hơn 100 hộ. Để tóm tắt quá trình làm việc trường kỳ của chính quyền địa phương đối với hộ ông Suốt, ông Quế cung cấp cho phóng viên biên bản cuộc họp ngày 4-5-2012 về việc vận động hộ gia đình ông Suốt nhận tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư của dự án Công ty Nguyễn Hoàng. Trong cuộc họp này, ông Quế đã tóm tắt việc thỏa thuận giữa công ty và hộ ông Suốt như sau: "Thành phố đã chấp thuận bố trí một căn hộ tái định cư cho hộ ông Suốt, Công ty Nguyễn Hoàng tự nguyện tặng thêm gia đình 52m2 đất thổ cư ở thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Đình. Ông Suốt đã đồng ý nhưng sau đó lại thay đổi không chấp thuận. Phương án tiếp theo, công ty mua một căn hộ 76m2 tại khu đô thị Mỹ Đình I cùng toàn bộ số tiền ông Suốt được nhận theo phương án UBND huyện Từ Liêm đã phê duyệt nhưng ông Suốt đòi thêm 1 tỷ đồng. Công ty Nguyễn Hoàng không đồng ý mà đề nghị mua cho ông Suốt một ki ốt tại chợ Mỹ Đình để tạo công ăn việc làm cho ông Suốt nhưng ông vẫn không đồng ý".

Cũng trong cuộc họp này, ý kiến của ông Suốt là được chuyển 60m2 đất tái định cư từ thôn Tân Mỹ về khu đất đường Mỹ Đình, đối diện với nhà văn hóa xóm Kho, thôn Phú Mỹ, được hỗ trợ di chuyển tài sản và tặng căn hộ chung cư tại khu đô thị Mỹ Đình I, khi đó sẽ "bàn giao mặt bằng và xin rút toàn bộ đơn khiếu kiện".

Ngày 5-9-2012, Ban chỉ đạo GPMB thành phố đã tổ chức cuộc họp liên ngành, thống nhất ý kiến: Việc ông Suốt được bố trí nhà tái định cư bằng căn hộ chung cư là phù hợp với mặt bằng chính sách chung trên địa bàn. Ông Suốt chỉ phải khấu trừ số tiền theo phương án đã được huyện Từ Liêm phê duyệt, số tiền còn lại do Công ty Nguyễn Hoàng chi trả. Ngoài ra, công ty hỗ trợ một ki ốt trong chợ Mỹ Đình, 100 triệu đồng cho phí di dời. Phương án này là phù hợp trên cơ sở mặt bằng chung và có xem xét đến yếu tố hoàn cảnh gia đình ông Suốt. Đề nghị của UBND huyện Từ Liêm về việc bố trí 60m2 đất tái định cư cho hộ ông Suốt là không đủ cơ sở xem xét.

Đề xuất trên của Ban chỉ đạo GPMB thành phố đã được sự đồng ý của lãnh đạo UBND thành phố trong văn bản số 7576/UBND-TNMT ngày 2-10-2012, đồng thời thành phố chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm, chủ đầu tư tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục gia đình ông Suốt hiểu, đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng và di chuyển về nơi được bố trí tái định cư.

Như vậy, chỉ đạo của thành phố đã rất rõ ràng, vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện của UBND huyện Từ Liêm, xã Mỹ Đình. Ngày 30-10-2012, UBND huyện Từ Liêm đã có Thông báo số 287/TB-UBND, khẳng định: "Sau ngày 15-11-2012, hộ ông Vũ Quang Suốt sau khi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ và đã được các ban, ngành liên quan hướng dẫn, vận động mà vẫn không hợp tác, cố tình không nhận tiền và bàn giao mặt bằng thì UBND huyện sẽ báo cáo Thường vụ Huyện ủy, UBND thành phố chấp thuận thi hành biện pháp hành chính thu hồi đất theo quy định của pháp luật".

Điều khiến dư luận băn khoăn là không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Từ Liêm lại "chiều" hộ ông Vũ Quang Suốt trong suốt thời gian dài như vậy? Theo tìm hiểu của phóng viên, thì ngày 16-8-2011, UBND huyện Từ Liêm đã có Quyết định số 7537/QĐ-UBND cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Vũ Quang Suốt. Ngày 13-12-2011, huyện có Thông báo số 621/TB-UBND về việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, thời gian thực hiện bắt đầu từ 8h ngày 19-12-2011. Thế nhưng chỉ hai ngày sau khi có thông báo trên, ngày 16-12-2012, UBND huyện lại có Văn bản số 624/TB-UBND "tạm dừng cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Vũ Quang Suốt" với lý do "đang tập trung chỉ đạo công tác của huyện cuối năm 2011". Và vụ việc bị trượt đi từ đó đến nay đã gần một năm.

Ngày 7-11-2012, trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Nguyễn Công Trình - Phó ban Bồi thường - GPMB huyện Từ Liêm cho biết, vì gia đình ông Vũ Quang Suốt là gia đình chính sách nên thời gian qua chính quyền địa phương đã tạo điều kiện tối đa trong việc áp dụng các quy định về đền bù GPMB. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Huệ cũng đã ba lần đến vận động chấp thuận phương án bồi thường tái định cư, nhưng đến nay gia đình ông vẫn không đồng ý. Sau khi có cuộc họp với ông Suốt và luật sư do ông Suốt mời để bảo vệ quyền lợi cho gia đình, bà Nguyễn Thị Huệ đã chỉ đạo Ban BT GPMB cung cấp đầy đủ hồ sơ cho luật sư nghiên cứu, sau ngày 15-11-2012 nếu ông Suốt không bàn giao mặt bằng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Nhận xét vụ việc, ông Nguyễn Công Trình nói: "Nhiều năm làm công tác GPMB, tôi chưa từng thấy trường hợp nào được "bảo đảm quyền lợi tối đa" như hộ ông Vũ Quang Suốt. Việc để chủ đầu tư thỏa thuận trực tiếp với các hộ dân trong diện GPMB là một bất cập trong chính sách GPMB hiện nay. Có thể chỉ vì một trường hợp được ưu ái sẽ tác động đến nhiều trường hợp khác, ảnh hưởng đến tiến độ dự án…".

Điểm b, khoản 2, Điều 13, Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 18-1-2010 ban hành quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và làm nhà ở nông thôn tại điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố có quy định: " Đối với các dự án phát triển kinh tế thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư đề nghị được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với những người đang sử dụng đất nhưng sau 180 ngày vẫn còn người sử dụng đất không đồng thuận thì chủ đầu tư được phép đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ đối với người sử dụng đất không đồng thuận, báo cáo UBND cấp huyện để thẩm định, làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất theo quy định".

Căn cứ quy định trên thì công tác GPMB phục vụ dự án xây dựng trụ sở giao dịch - giới thiệu sản phẩm và kho của Công ty Nguyễn Hoàng đã ở giai đoạn gần hoàn tất. Dư luận đang chờ đợi những biện pháp kiên quyết của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, đồng thời cũng nhằm xóa bỏ một "tiền lệ xấu" trong công tác GPMB trên địa bàn huyện Từ Liêm.

Nhóm PV Điều tra