Ngập lụt sẽ ngày càng nặng hơn
Xã hội - Ngày đăng : 07:41, 14/11/2012
Hiện tại tình hình ngập lụt tại TP đã gia tăng.
Theo dự báo của Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam, khả năng đến năm 2020 có 3 quận trên địa bàn TP sẽ bị ngập trên 1% diện tích gồm quận 2 sẽ ngập gần 60ha, quận 8 gần 30ha và Thủ Đức khoảng 78ha. Trong 10 năm tiếp theo (2030), sẽ có 5 quận bị ngập đến gần 2% và đến năm 2070 sẽ có 13/14 quận, huyện trên địa bàn TP sẽ bị ngập trên 1%. Đáng chú ý trong đó có huyện Bình Chánh sẽ bị ngập khoảng 18% diện tích, quận 12 trên 17%, Thủ Đức 9%.
Theo cảnh báo của PGS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam, tác động lớn nhất từ BĐKH là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân ở những vùng bị ngập nước. Đơn cử, đến năm 2020 sẽ có khoảng 34,5 nghìn dân trên địa bàn TP bị ngập trong nước và đến năm 2070 sẽ là 260 nghìn dân, gấp gần 8 lần so với năm 2020. Trong đó huyện Bình Chánh, quận 12 và Thủ Đức sẽ chịu tác động nặng nề nhất với trung bình trên 50 nghìn dân bị ảnh hưởng.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đa số người dân sống tại các vùng trũng và nghèo khó nên mọi điều kiện sinh hoạt cũng bị hạn chế, kèm theo đó là các công trình vệ sinh tự tạo. Nên khi ngập sẽ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, gây nên các bệnh ngoài da, ghẻ nước, nhiễm trùng, thậm chí xuất hiện dịch tả, tiêu chảy… rất nguy hiểm.
Các chuyên gia cho rằng việc đô thị hóa mạnh trong vài năm trở lại đây tại TP làm thu hẹp dòng chảy các sông, rạch khiến cho ngập lụt ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài ra, hệ thống thoát nước trên địa bàn TP hiện đã lạc hậu (chỉ được thiết kế cho TP trên 2 triệu người), nhưng bây giờ toàn TP đã có khoảng 10 triệu người. Đặc biệt, BĐKH làm cho mực nước biển dâng đã trực tiếp làm cho lượng nước các dòng sông đều dâng cao qua từng năm.
Vì thế TP cần nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp một cách hợp lý và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó có hiệu quả, nhất là sự chung tay thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, cấp chính quyền liên quan. Đến năm 2015 phải nâng cao nhận thức được khoảng 90% dân cư hiểu biết cơ bản về BĐKH. Đặc biệt, sớm xây dựng hệ thống cảnh báo và ứng phó với các thảm họa, thiên tai và xây dựng hệ thống cảnh báo tình hình dịch bệnh trong bối cảnh BĐKH, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.