Cần có hệ thống quy tắc ứng xử
Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 14/11/2012
Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai từ nhiều năm trước, nhưng khi Chương trình 04 ra đời kèm theo kế hoạch triển khai cụ thể thì nhiệm vụ này được các ngành, địa phương nhanh chóng tiếp nhận và cụ thể hóa thành các mục tiêu, hành động phù hợp. Quận Long Biên đã thực hiện đề án xây dựng nếp sống văn minh (NSVM) đô thị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng tổ dân phố văn hóa; xây dựng mô hình điểm tổ dân phố thực hiện NSVM, rà soát và thực hiện các quy ước cộng đồng. Quận Hà Đông phát hành tờ gấp về 4 tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tích cực thực hiện NSVM trong việc cưới. Bà Đặng Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông cho biết: Số đám cưới tổ chức theo NSVM trên địa bàn quận Hà Đông trong 10 tháng đầu năm 2012 chiếm tới hơn 80%, cao hơn những năm trước. Hình thức tổ chức cưới bằng tiệc trà, báo hỷ ngày càng được nhiều bạn trẻ hưởng ứng.
Một buổi lễ trao đăng ký kết hôn tại UBND phường Yết Kiêu, quận Hà Đông.Ảnh: Lê Tuấn
Quận Ba Đình với đặc thù là trung tâm chính trị của Thủ đô và đất nước đã thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, sinh hoạt thơ ca về văn hóa ứng xử của người Hà Nội; triển khai cuộc vận động "Nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp" trong toàn quận. Nhân dân huyện Đông Anh thể hiện cách sống văn minh thông qua việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đám tang, không làm cỗ mời khách ăn trong ngày tang, cúng 49 ngày và đưa di hài người chết đi hỏa táng… Sở GD&ĐT đã triển khai dạy học đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội". Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công thương, Sở Nội vụ… đã ban hành quy chế văn hóa công sở nhằm tạo dựng hình ảnh cán bộ, công chức gương mẫu, chuẩn mực…
Thiếu quy tắc ứng xử
Trong cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 04 mới đây, một số hạn chế trong triển khai đã được thẳng thắn nhìn nhận. Cụ thể, còn nhiều lúng túng, thiếu những phong trào và cách làm thiết thực, hiệu quả; đặc biệt là chưa phát huy mạnh mẽ vai trò của người dân, các hộ gia đình, tổ dân phố, MTTQ và các đoàn thể trong quá trình tham gia thực hiện từ cơ sở. Theo ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây, "vì thiếu những tiêu chí cụ thể, thiếu bộ uy tắc ứng xử để triển khai nên Sơn Tây mới tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch dựa trên các tiêu chí chung chung, na ná những phong trào khác như là trong mỗi gia đình, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh em thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau… Còn thực tế người dân thực hiện như thế nào và đến đâu rất khó có thể đánh giá".
Đành rằng các tiêu chí để xây dựng, đánh giá người Hà Nội thanh lịch, văn minh khó có thể "cân đong đo đếm". Nhưng, nếu triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chỉ dựa vào thế mạnh của các địa phương như hiện nay thì chương trình khó có thể đi sâu vào cuộc sống; lối ứng xử thanh lịch, văn minh vì thế cũng khó có thể trở thành ý thức, hành động tự giác của mỗi người dân Hà Nội. Như Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi phân tích thì "Thanh lịch, văn minh là nét đặc trưng trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Muốn trở thành người Hà Nội một cách đích thực, không phải cứ có hộ khẩu là xong, mà cần có quá trình học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện, nâng mình lên, để làm sao trong văn hóa ứng xử có cái cốt cách, thanh lịch của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Vì thế, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ việc xây dựng con người văn hóa". Còn ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, thì cho rằng, việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải đồng bộ, rộng khắp, tránh để trống địa bàn, trống đối tượng. Khi xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải tập trung xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, xây dựng ý thức văn minh trong các trường học…