Palestine: Một nền hòa bình dang dở

Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 14/11/2012

(HNM) - Mỹ và Israel đã lên tiếng phản ứng gay gắt trước việc Palestine tuyên bố sẽ đệ trình yêu cầu nâng cấp quy chế nhà nước của Palestine lên Liên hợp quốc (LHQ) trong tháng này.


Phát ngôn viên Nabil Abu Rudeina của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (ngày 11-11), cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao đổi điện thoại với ông M.Abbas, theo đó, Washington phản đối nỗ lực nâng cấp lên quy chế "Nhà nước quan sát viên phi thành viên" tại LHQ của Palestine. Còn truyền thông Israel loan báo, ba bộ trưởng nội các nước này đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch của Cơ quan quyền lực Palestine muốn LHQ công nhận tư cách nhà nước tại phiên họp Đại hội đồng LHQ sắp tới. Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steinitz còn dọa áp đặt trừng phạt kinh tế chống Palestine nếu Tổng thống M.Abbas tiến đến nâng cấp quy chế “nhà nước” trong tháng này.


Các khu định cư Do Thái được xây dựng  trên đất của người Palestine đã và đang là trở ngại lớn với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Thực tế, con đường hướng tới nền hòa bình thực sự, theo kế hoạch hòa bình Trung Đông về giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại song song - Do Thái và Palestine - thì việc làm của ông M.Abbas phản ánh mong muốn chính đáng của người dân Palestine. Thậm chí, điều này đã được ông B.Obama khẳng định khi bước chân vào Nhà Trắng nhiệm kỳ trước. Nhưng, với những gì đang diễn ra cho thấy con đường của người dân Palestine về một nhà nước độc lập sẽ còn gặp vô vàn chông gai. Với chính quyền Israel, công nhận nhà nước độc lập Palestine cũng có nghĩa là phải dỡ bỏ sự "chiếm đóng" bấy lâu nay của nhà nước Do Thái trên phần đất của người Palestine. Do đó, sự phản đối tức thời của Tel Aviv với kế hoạch mà ông M.Abbas kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nền hòa bình trong dang dở của Palestine là không quá khó hiểu. Trong khi đó, Washington cũng không thể từ chối sát cánh cùng đồng minh chủ chốt tại Trung Đông vào lúc này.

Ngược lại quá khứ, đây không phải là lần đầu tiên trên con đường tới nền độc lập của Palestine vấp phải trở ngại. Còn nhớ, khi Palestine đệ đơn xin làm thành viên chính thức của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tháng 9-2011, Mỹ và Israel đã liên tục phản đối trên nhiều phương diện từ ngoại giao đến kinh tế. Tuy nhiên, vượt qua nhiều trở ngại, cuối tháng 10-2011, UNESCO đã chính thức công nhận Palestine là thành viên đầy đủ. Nhưng, để có bước tiến thắng lợi đầy ý nghĩa với người Palestine thì UNESCO đã phải gánh chịu nhiều khó khăn. Rõ nhất là ngay sau khi các nước thành viên bỏ phiếu thông qua, Washington đã tuyên bố cắt tài trợ 70 triệu USD cho tổ chức quốc tế này.

Bởi vậy, với quyết định vừa qua của ông M.Abbas, dư luận lo ngại chính quyền Palestine sẽ đối mặt với nhiều thử thách mới. Tuy nhiên, đáp lại sự phản đối từ Mỹ và Israel, Tổng thống M.Abbas khẳng định, Palestine sẽ không đổi ý và chỉ rõ, "sự phản ứng quá kích động của Israel" là do mong muốn tiếp tục được "chiếm đóng"; và, dù phải chịu sức ép từ nhiều bên, Palestine sẽ quyết không từ bỏ nỗ lực.

Hòa bình Trung Đông đã trải qua một chặng dài với rất nhiều khó khăn. Các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine về công nhận nhà nước Palestine độc lập đã bị đình trệ từ năm 2008. Nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán luôn thất bại do sự bất đồng lớn giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống M.Abbas xung quanh việc giải quyết các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Đông và Tây Jerusalem, vùng lãnh thổ mà Palestine chiếm đóng, cùng với dải Gaza. Sự bất đồng lớn đó đã khiến hai bên chưa thể ngồi vào bàn đàm phán. Và, các nhà lãnh đạo Palestine đã chọn cách thức khác để hướng tới nền độc lập cho dân tộc là dễ hiểu. Tuy nhiên, cú "bật đèn xanh" của Mỹ cho các hành động phản đối của Israel đã "dội gáo nước lạnh" vào nỗ lực của ông M.Abbas. Với sự ủng hộ của Washington, Israel đã tiếp nối các kế hoạch định cư mới. Nhật báo Ha'aretz (ngày 12-11) cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barack vừa cho phép mở rộng khu định cư Itamar thuộc Bờ Tây, phía Đông bắc thành phố Nablus khi quyết định cho xây mới 538 căn nhà tại đây. Trước đó, ngày 6-11, bất chấp sự giận dữ từ Palestine, Israel vẫn thông báo gọi thầu xây dựng 1.213 ngôi nhà định cư mới ở Đông Jerusalem...

Với những trở ngại khó vượt đang hình thành, nền hòa bình cùng giấc mơ về một nhà nước độc lập của người Palestine có lẽ sẽ vẫn chỉ là mơ ước chưa thành trong bối cảnh hiện nay.

Trung Hiếu