Tích cực xây dựng và hoàn chỉnh thế trận phòng không Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 14/11/2012

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 6-1972) về nâng cao cảnh giác, tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống, trong đó có việc chủ động đối phó với khả năng Mỹ sử dụng B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội,

Bộ Tổng tham mưu (BTTM) đã tích cực triển khai và chỉ đạo các quân binh chủng, nhất là Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) xây dựng và hoàn chỉnh thế trận phòng không Hà Nội, làm cơ sở để thực hiện quyết tâm chiến thắng trong trận chiến này.


Ngày 24-11-1972, Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phê chuẩn phương án đánh máy bay B-52 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh từ phải qua trái là các đồng chí Hoàng Phương, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Tri.

Ngày 6-7-1972, BTTM tổ chức hội nghị chuyên đề đánh B-52 Mỹ với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài. Kết luận hội nghị, BTTM chỉ thị cần phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B-52 bằng lực lượng và vũ khí hiện có của Quân chủng PK-KQ; đánh trúng, bắn rơi B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao; Quân chủng PK-KQ phải được chuẩn bị chi tiết cả về con người và vũ khí cho chiến thắng B-52.

Ngay sau hội nghị, chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của BTTM, Quân chủng PK-KQ khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh phương án đánh B-52 bảo vệ miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng và đầu tháng 9-1972 đã chuẩn bị xong. Kế hoạch đã phân tích khả năng, lực lượng không quân Mỹ bố trí ở Đông Nam Á, diễn biến hoạt động trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc; nhận định những đợt đánh phá trước đây và cả đợt tháng 4-1972 của B-52; dự kiến khu vực đánh phá chủ yếu là Hà Nội và Hải Phòng, trọng điểm là Hà Nội; dự kiến đợt đánh phá, cường độ sử dụng B-52, thủ đoạn đánh phá của địch; đội hình B-52; mục tiêu đánh phá của máy bay chiến thuật...

Kế hoạch nêu rõ quyết tâm cơ bản của ta là: kiên quyết tập trung lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng; không để bị bất ngờ; đánh liên tục, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay, đánh bại con bài chiến lược hòng giành sức mạnh quân sự để thực hiện chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh của Mỹ; tổ chức phòng tránh tốt, giảm tổn thất thương vong đến mức thấp nhất; đối tượng chủ yếu là máy bay B-52 và các loại máy bay ném bom chiến thuật của không quân và Hải quân Mỹ.

Về sử dụng lực lượng, kế hoạch xác định: Khu vực Hà Nội có Sư đoàn phòng không 361, gồm hai trung đoàn tên lửa 257, 261 và 5 trung đoàn pháo phòng không 212, 220, 221, 244, 260. Ngoài ra còn có sự phối hợp chiến đấu của 4 đại đội pháo trung cao và các lực lượng dân quân tự vệ của Hà Nội... Khu vực Hải Phòng có Sư đoàn phòng không 363 gồm hai trung đoàn tên lửa 238, 285 và một trung đoàn pháo phòng không, có sự phối hợp của lực lượng phòng không Sư đoàn 350 và dân quân tự vệ. Lực lượng dự bị tăng cường cho Hà Nội sẽ điều động khi cần thiết là Trung đoàn tên lửa 267 của Sư đoàn 365 và Trung đoàn tên lửa 285 của Sư đoàn 363 từ Hải Phòng lên. Sử dụng toàn bộ lực lượng của Binh chủng Không quân trong đó có 4 trung đoàn không quân chiến đấu 921, 923, 925, 927 và toàn bộ lực lượng của Binh chủng Ra đa bố trí trên miền Bắc.

Về nhiệm vụ và cách đánh của từng binh chủng, kế hoạch xác định: Bộ đội Ra đa phát hiện cho được máy bay B-52, thông báo báo động bảo đảm không bị bất ngờ, bảo đảm cho máy bay ta kịp cất cánh, dẫn máy bay ta đánh B-52; phân biệt B-52 thật, giả; bố trí bảo đảm phát hiện và thông báo máy bay bay thấp. Chống tên lửa tự dẫn của địch có hiệu quả để giữ vững trường Ra đa làm việc liên tục.

Bộ đội Không quân đánh máy bay B-52 và đánh máy bay cường kích, đánh địch từ xa ngoài vòng hỏa lực của tên lửa, chủ yếu đánh hướng tây bắc, tây nam. Chuẩn bị sân bay dã chiến vòng ngoài để bí mật bất ngờ đánh địch; huấn luyện phi công đánh đêm, đánh trong thời tiết xấu. Bốn trung đoàn không quân tiêm kích trực tiếp bảo vệ vùng trời Hà Nội bố trí ở các sân bay vòng trong và vòng ngoài. Bộ đội Tên lửa bố trí thành đội hình đánh máy bay B-52 là chủ yếu nhưng đồng thời phải đánh máy bay cường kích, lấy Hà Nội là khu vực mục tiêu bảo vệ chủ yếu để bố trí lực lượng một cách hợp lý. Thế bố trí bảo đảm đánh cả vòng trong, vòng ngoài, tạo đội hình rộng để kết hợp đánh phía trước, đánh sườn, đánh đằng sau. Do B-52 có nhiễu dải nặng, cho nên tên lửa phải sử dụng phương pháp "T" là chủ yếu, nhưng đồng thời tranh thủ phát sóng phát hiện mục tiêu trong nhiễu để sử dụng phương pháp điều khiển tên lửa có hiệu quả nhất. Bộ đội Cao xạ là lực lượng chủ yếu đánh máy bay chiến thuật, đánh máy bay bổ nhào và bay thấp, bảo vệ tên lửa, bảo vệ sân bay. Pháo trung cao trên các khu vực cũng có nhiệm vụ tham gia đánh máy bay B-52. Riêng đối với lực lượng dân quân tự vệ, phát huy hỏa lực tầm thấp kết hợp với lực lượng bảo vệ trật tự an ninh, đánh máy bay địch rộng khắp, chủ yếu phục kích, đón lõng máy bay địch bay thấp và bắt giặc lái…

Tuy là một kế hoạch đầu tiên, trong quá trình chuẩn bị còn có những bổ sung thay đổi, nhưng đã được chuẩn bị rất công phu, đầy đủ nội dung của chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.

Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Lainơbêchcơ II, Mỹ đã huy động 740 lần chiếc B-52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, có F111, sử dụng các khí tài điện từ gây nhiễu hiện đại, đánh tập trung ồ ạt gần 20.000 tấn bom xuống các mục tiêu kinh tế, quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số nơi khác.

Với lực lượng, thế trận được chuẩn bị trước và sẵn sàng chiến đấu cao, các lực lượng phòng không, không quân Việt Nam cùng với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ.

Đại tá - TS Nguyễn Thành Hữu