Trách nhiệm trước dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:55, 14/11/2012

(HNM) - Hai ngày vừa qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Xin không đi sâu vào bàn từng vấn đề được các đại biểu chất vấn cũng như việc trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, nhưng có thể thấy, điều nổi bật nhất của cả người hỏi và người trả lời tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp này là trách nhiệm trước nhân dân trong từng câu nói, từng vấn đề đặt ra.

Đúng như lời hứa với cử tri của tỉnh Quảng Nam, đại biểu Ngô Văn Minh đã thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhiều vấn đề liên quan tới Thủy điện Sông Tranh 2, liên quan tới cuộc sống và sự an toàn tính mạng của người dân. Dù nhiều người cho rằng câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh là khá gay gắt - "Nếu đập vỡ thì xin Bộ trưởng cho biết ai chịu trách nhiệm đầu tiên?" - nhưng rõ ràng đó là vấn đề người dân muốn biết, người dân muốn nghe, chứ người dân không thể hiểu về những con số, những luận cứ các nhà khoa học và các cơ quan chức năng đưa ra. Xét cho cùng, tất cả các nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm… kết luận của các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát… cũng đều nhằm mục đích đánh giá thấu đáo về mức độ an toàn của Thủy điện Sông Tranh 2. Và phải có người chịu trách nhiệm cụ thể cho vấn đề này. Điều đó là hoàn toàn cần thiết để củng cố lòng tin của người dân vì từ trước tới nay đã có không ít vụ việc nhiều ngành, nhiều cấp đều được giao trách nhiệm quản lý nhà nước, song khi có "sự cố" lại không thể quy kết trách nhiệm cụ thể cho ai.

Ngay như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng luôn đặt mình ở vị trí người dân để có những ý kiến cụ thể cũng như có sự điều hành phù hợp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội từng không phải một lần lưu ý Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phải đưa ra quan điểm rõ ràng, đó là công trình tuyệt đối an toàn hay chưa, phải di dân đi chỗ khác hay dân vẫn được tiếp tục ở lại? Thẳng thắn nhận xét "ngay chính câu trả lời của Bộ trưởng, tôi nghe mà thấy cũng chưa yên tâm được", Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời thêm vấn đề này vào cuối phiên chất vấn. Không chỉ vậy, với các vấn đề khác như việc xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp; vấn đề kinh doanh xăng dầu và hàng tồn kho… với cương vị điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đã có những lưu ý, nhắc nhở, đề nghị các thành viên Chính phủ đi thẳng vào những vấn đề đại biểu chất vấn, tránh vòng vo, rườm rà, lãng phí thời gian.

Sự đổi mới trong điều hành, nâng cao hiệu quả việc chất vấn và trả lời chất vấn có thể thấy đã thể hiện thực sự tại diễn đàn Quốc hội. Đã không còn việc vừa hỏi vừa nói thay cho người trả lời chất vấn theo kiểu "kẻ tung - người hứng" hoặc trả lời chất vấn một cách qua loa, chiếu lệ để rồi sau kỳ họp mọi chuyện đâu lại vào đấy… Những câu hỏi như: Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề như thế nào? Thời hạn giải quyết dứt điểm những tồn tại là bao lâu?... luôn luôn được đặt ra. Trên tinh thần đó, trách nhiệm trước dân là nhìn thẳng vào sự việc và có biện pháp tháo gỡ. Đó là con đường duy nhất để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Bên lề diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng - người được cho là gặp nhiều câu hỏi khó trong lĩnh vực xây dựng cũng đã phát biểu chân thành, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội dành cho ông là rất có trách nhiệm và không hề ép. Vâng, điều đó thật đáng mừng và cho thấy cử tri đã sáng suốt khi lựa chọn những người đại diện cho quyền lợi của mình.

Hoàng Thu Vân