Giảm tỷ lệ gia công, tăng giá trị xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 13/11/2012

(HNM) - Tháng 10, kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành dệt may (DM) tiếp tục dẫn đầu với 1,4 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, kim ngạch đạt khoảng 12,54 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; trong đó, sang thị trường Mỹ tăng 8%, Nhật Bản tăng 18,7%, Hàn Quốc tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn có tăng trưởng cao nhờ ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam, ASEAN với hai nước này. Bên cạnh đó, việc khởi động đàm phán các hiệp định thương mại giữa Việt Nam, ASEAN với EU, đặc biệt là Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Châu Á - Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra cơ hội lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, TPP có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong thương mại DM toàn cầu và Việt Nam đang đặt kỳ vọng vào thị trường rộng lớn này. Không dừng lại ở 9 nước gồm Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Malaysia, Peru, Mỹ, Việt Nam, tới đây TPP sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều thành viên khác.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Trọng Hải


Từ đầu năm đến nay, nhờ làm hàng FOB (mua thành phẩm, bán nguyên liệu), nhiều DN đã đạt kim ngạch XK cao. Kế hoạch doanh thu XK năm 2012 của Công ty CP Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn ước đạt khoảng 900 tỷ đồng, với 90% đơn hàng làm theo hình thức FOB. Thời gian tới sẽ có những tín hiệu tốt dù kim ngạch XK sang EU giảm, nhưng khách hàng Mỹ, Nhật Bản vẫn lựa chọn, đặt hàng với DN Việt Nam. Theo một số DN có đơn hàng XK vào Nhật Bản, khách hàng đang đàm phán nâng cao năng lực sản xuất lên cao hơn, đây được xem là cơ hội để bù lấp khoảng trống ở những thị trường khác. Đến thời điểm này đã có khoảng 20% DN DM nhận được đơn hàng XK cho năm 2013. Phần lớn đơn hàng được ký kết với các đối tác truyền thống ở Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Một số DN lớn đã tìm được đơn hàng đến tháng 6-2013. Các DN đang hoàn tất đơn hàng cho mùa thu - đông, mùa XK chính có giá trị, lợi nhuận cao.

Hiệp hội DM Việt Nam dự kiến, XK DM cả năm 2012 sẽ đạt khoảng 17 tỷ USD. Trong đó, thị trường XK lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có tốc độ tăng trưởng cao. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang từng bước tăng thị phần trong bối cảnh tổng cầu hàng hóa DM có xu hướng chững lại. Tuy nhiên, dù được đánh giá là một trong những nước sản xuất, cung ứng hàng DM ở top đầu của thế giới, nhưng so với 500 tỷ USD tiêu thụ hàng DM toàn cầu mỗi năm, con số 17 tỷ USD vẫn là khiêm tốn. So với nhiều nước Châu Á khác, tốc độ tăng trưởng của hàng DM Việt Nam vẫn còn thấp do gia công nhiều, đòi hỏi DN phải tích cực nâng cao giá trị XK hàng FOB, nhằm giảm tỷ lệ gia công, tăng giá trị XK. Ngoài lợi nhuận cao, hàng FOB còn nhận được chia sẻ từ nhà sản xuất trong thực hiện các công đoạn thiết kế sản phẩm, chỉ định nguyên liệu. Đây cũng là giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn trong làm hàng FOB là DN phải thay đổi lại cơ cấu sản xuất và năng lực tài chính, đòi hỏi phải chính xác về thời gian, mẫu mã đẹp, chất lượng bảo đảm.

Bộ Công thương sẽ tích cực nâng cao chất lượng các cuộc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất và XK. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh linh hoạt thuế XK, nhập khẩu, tạo thuận lợi hơn về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho DN; triển khai tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm tín dụng cho XK, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ.

Thanh Hiền