Bàn về lịch (Tiếp theo kỳ trước)

Sách - Ngày đăng : 12:52, 12/11/2012

(HNNN) - Đó cũng là nguyên nhân gây tranh cãi của các thầy với nhau cùng sự đối kháng của những môn phái từ xa xưa đến hiện tại.


3. Chọn ngày theo Nhị thập bát tú: Hệ thống 28 chùm sao trên trời vốn được phát hiện từ trước Công nguyên, người xưa đã dùng trí tưởng tượng để chia các chùm sao này thành các hướng như: Phương Đông là sao Thanh Long (rồng xanh) gồm 7 chùm sao tổng cộng 32 ngôi sao thuộc Mộc màu xanh; phương Bắc là sao Huyền Vũ (rùa đen) gồm 7 chùm sao tổng cộng 35 ngôi sao thuộc Thủy màu đen; phương Tây là sao Bạch Hổ (hổ trắng) gồm 7 chùm sao tổng cộng 51 ngôi sao thuộc Kim màu trắng; phương Nam là sao Chu Tước (chim sẻ đỏ) gồm 7 chùm sao tổng cộng 65 ngôi sao thuộc Hỏa màu đỏ. Ngoài ra, mỗi chùm sao ở mỗi phương lại có hai chùm sao ứng với 4 tháng cuối của 4 mùa một năm nên mang hành Thổ màu vàng. Để tiện cho việc dự báo cát hung, từ thời Đường, các thuật sĩ đã quy định các chùm sao tương ứng với các con vật cụ thể mang tính lành dữ khác nhau, đó là: Sao Giốc, Mộc là con giao long, hung tinh, kị cưới hỏi, ma chay; Cang, Kim là con rồng, cát tinh mọi việc; Đê, Thổ là con cầy, mọi việc vui mừng; Phòng, Hỏa là con thỏ, hung tinh mọi việc khó thành; Tâm, Thủy là con hồ ly, hung tinh, tai ương; Vĩ, Hỏa là con hổ, hung tinh, chủ việc ác; Cơ, Thủy là con báo, hung tinh, việc bất lợi; Đẩu, Thủy là con rắn, hung tinh, vạn sự bất thành; Ngưu, Kim là con trâu, hung tinh mọi sự lao khổ; Nữ, Thổ là con dơi, cát tinh, mọi việc đều thuận; Hư, Hỏa là con chuột, đại cát tinh, mọi sự đều tốt; Nguy, Thủy là con én, hung tinh, tai họa ốm đau; Thất, Hỏa là con lợn, đại cát tinh, mọi việc đều lợi; Bích, Thủy là con giun, cát tinh, việc dễ thành; Khuê, Mộc là con sói, đại cát tinh, mọi việc có lợi; Lâu, Kim là con chó, cát tinh, chủ tài lộc; Vị, Thổ là con chim trĩ, hung tinh, chủ tai ương; Mão, Hỏa là con gà, cát tinh, mọi việc đều thông; Tất, Thủy là con chim, cát tinh, chủ tài lợi; Chủy, Hỏa là con khỉ, cát tinh, lợi cưới xin, ma chay; Sâm, Thủy là con vượn, cát tinh, chủ phú quý; Tỉnh, Thủy là con ngựa, hung tinh, chủ hao tán tài sản; Quỷ, Kim là con dê, hung tinh, hao tán tài sản; Liễu, Thổ là con cheo, cát tinh, chủ tiền tài phúc lộc; Tinh, Hỏa là con ngựa, hung tinh, chủ tai họa; Trương, Thủy là con hươu, đại cát tinh; Dực, Hỏa là con rắn, cát tinh chủ tài lộc; Chẩn, Thủy là con giun, đại hung tinh chủ tai ương ly tán. Số sao vừa nêu trên vừa đúng số ngày của bốn tuần nên vận động tuần hoàn, mỗi ngày tương ứng với một sao, hết 28 sao lại bắt đầu chu ký mới. Thường thì sao Chẩn, Thủy được tính vào ngày thứ Tư của tuần thứ tư trở đi. Tuy nhiên, sự sắp xếp và quy định các sao kể trên có một số điểm không hợp lý. Ví như cùng là con giun, cùng là hành Thủy thì sao một giun là cát tinh còn một là đại hung tinh (nếu như vậy nên phân biệt rõ giun biển hay giun đất)? Cùng là con rắn một là hành Thủy là hung tinh, một hành Hỏa lại là cát tinh (cần chia thành rắn ráo và rắn hổ mang thì mới đúng) nhưng cùng là con ngựa một hành Thủy, một hành Hỏa đều là hung tinh (chắc là ngựa đã thuần hóa và chưa được thuần hóa chăng)? Có thể thấy, những quy ước nêu trên đặt ra không biện chứng, nặng về chủ quan áp đặt theo âm vần và cảm tính. Đấy là chưa kể vị trí dịch chuyển tương đối khác giữa các chùm sao với nhau và giữa chúng với trái đất do những tác động vũ trụ và thay đổi trong bản thân trái đất (ví dụ như những trận động đất cấp độ lớn cũng làm thay đổi tốc độ quay và độ nghiêng của trục trái đất) nhưng chưa có nhà thần học nào khẳng định liệu có ảnh hưởng gì đến mức độ tốt xấu của các chùm sao đối với con người không?

4. Chọn ngày theo Lục diệu thần: Căn cứ vào bản số Hà Đồ (cũng là những số được dùng trong môn Lục Nhâm, Lục Giáp), xếp theo từng cặp 1-6, 2-7, 3-8, 4-9, 5-10 được sử dụng từ thời Tống bên Trung Quốc, chia theo 6 vị thần của các ngày, thứ tự gồm có: Đại An là cát thần, có thể làm được mọi việc; Lưu Liên (còn gọi là Hữu Dẫn) là hung thần, mọi việc đều không thành; Túc Hỉ (hay còn gọi là Tốc Hỉ, Tiên Thắng) là tốt vừa phải, tốt nửa buổi, làm càng nhanh càng tốt, để lâu thì xấu; Xích Khẩu là xấu vừa phải, đề phòng tai họa từ mồm; Tiểu Cát là cát thần, chỉ tốt sau Đại An; Không Vong (còn gọi là Phật Diệt) là hung thần, dễ gặp tai họa. Theo như quy ước thì Lục Diệu được phối hợp theo các tháng trong năm như sau: Tháng 1 và tháng 7 ngày mùng 1 là Túc Hỉ; Tháng 2 và tháng 8 ngày mùng 1 là Lưu Liên; Tháng 3 và tháng 9 ngày mùng 1 là Tiểu Cát; Tháng 4 và tháng 10 ngày mùng 1 là Không Vong; Tháng 5 và tháng 11 ngày mùng 1 là Đại An; Tháng 6 và tháng 12 ngày mùng 1 là Xích Khẩu. Quan niệm kiểu này cũng nặng về nghi lễ tín ngưỡng.

5. Chọn ngày theo Cửu Tinh: Vốn là một bộ môn thuật toán dựa trên cơ sở của các số Ma Phương trong bảng số Lạc Thư, được khởi phát từ thời nhà Đường ở Trung Quốc. Bảng 9 số Lạc Thư xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải là 4-9-2-3-5-7-8-1-6 được chia thành các màu sắc như sau: Số 4 là Mộc tinh, màu xanh lục; số 9 là Hỏa tinh màu tím; số 2 là Thổ tinh màu đen; số 3 là Mộc tinh màu xanh ngọc; số 5 là Thổ tinh màu vàng; số 7 là Kim tinh màu đỏ; số 8 là Thổ tinh màu trắng; số 1 là Thủy tinh màu trắng; số 6 là Kim tinh màu trắng. Từ đó Cửu Tinh được sắp xếp theo trật tự và màu sắc như sau: Trắng (nhất bạch) hành Thủy, Thủy tinh là cát; Đen (nhị hắc) hành Thổ, Thổ tinh là hung; Xanh bích (tam bích) hành Mộc, Mộc tinh là hung; Xanh lục (tứ lục) hành Mộc, Mộc tinh là hung; Vàng (ngũ hoàng) hành Thổ, Thổ tinh là hung; Trắng (lục bạch) hành Kim, Kim tinh là cát; Đỏ (thất xích) hành Kim, Kim tinh là hung; Trắng (bát bạch) hành Thổ, Thổ tinh là cát; Tím (cửu tử) hành Hỏa, Hảo tinh là cát. Theo quỹ đạo vận động của các số trong Lạc Thư bắt đầu từ 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9, người ta lập thành bảng hướng chuyển động của Cửu Tinh theo năm - tháng - ngày và tra cứu tốt xấu.

6. Chọn giờ tốt, xấu của ngày: Như đã nói trong phần Chỉ Trực thần, mỗi ngày có 12 vị Thần quản 12 giờ, trong đó có 6 vị Thần tốt (Hoàng Đạo) gồm: Thanh Long, Minh Đường, Kim Quy, Bảo Quang, Ngọc Đường, Tư Mệnh và 6 vị Thần xấu (Hắc Đạo) gồm: Thiên Hình, Chu Tước, Bạch Hổ, Thiên Lao, Nguyên Vũ, Câu Trần. Lấy Thanh Long làm mốc đứng đầu các Thần, xuất hiện vào giờ Tý của ngày Dần sẽ có thứ tự các Thần khác của 12 giờ trong ngày Dần là: Giờ Tý = Thanh Long; giờ Sửu = Minh Đường; giờ Dần = Thiên Hình; giờ Mão = Chu Tước; giờ Thìn = Kim Quy; giờ Tị = Bảo Quang; giờ Ngọ = Bạch Hổ; giờ Mùi = Ngọc Đường; giờ Thân = Thiên Lan; giờ Dậu = Nguyên Vũ; giờ Tuất = Tư Mệnh; giờ Hợi = Câu Trần. Người ta còn căn cứ vào các mùa trong năm để tìm ra các giờ Đại Cát, giờ Không Vong - Triệt Lộ. Việc chọn giờ tốt xấu của ngày thoạt nhiên thấy rất đơn giản và nhanh chóng, tiện lợi, chỉ cần tra bảng đã lập sẵn là biết ngay. Tuy vậy, nếu so sánh phần này với những phần đã nêu ở trên thì sẽ rất khó xác định được bản chất tốt xấu của giờ và những quy ước này cũng không trùng khớp với ngày. Ví dụ lấy giờ Hoàng đạo của ngày Đại hung Kỷ Mão (cách 1) và là ngày Trực Thành (cách 2), Nguy (cách 3), Tiểu Cát (cách 4), Nhị Hắc (cách 5) thì còn tốt được đến đâu? Ngược lại nếu so sánh giờ Hắc đạo của ngày Đại quý Bính Tuất (cách 1) và là ngày Trực Định (cách 2), Chẩn (cách 3), Không Vong (cách 4), Lục Bạch (cách 5) thì xấu đến mức nào? Như thế là khác hẳn với bảng cửu chương, kết quả của 6x9 cũng giống như 9x6, các công thức lịch toán của lý thuyết chọn ngày giờ tốt xấu không theo một quy chuẩn nào đáng tin cậy, mà hoàn toàn khẳng định các hướng riêng rẽ mà nếu ta muốn tỷ mẩn chập lại với nhau để tìm xác suất đúng - sai thì đáp án thu được chỉ có thể trở thành những đường thẳng song song vô định. Đó cũng là nguyên nhân gây tranh cãi của các thầy với nhau cùng sự đối kháng của những môn phái từ xa xưa đến hiện tại.

Mr. Địa Lâm