Thuật toán và quyền mưu (Tiếp theo kỳ trước)
Sách - Ngày đăng : 12:47, 12/11/2012
O. Thuật nhân tâm
2. Trừng phạt người
Với nhiều lý do và tùy vào mức độ kết quả của sự việc, ta có thể khai thác những sai lầm của người khác, những khiếm khuyết, tội ác hoặc khui ra ánh sáng những bí mật cá nhân được che giấu để tạo cớ trừng phạt, chinh phục, công khai chiếm thế thượng phong, rồi nắm gót chân Asin của người đó mà lợi dụng. Đối với mục đích chính nghĩa, tốt đẹp thì sự trừng phạt này là bài học cần thiết để tránh những sai lầm tương tự về sau, bởi thế cho nên dù lo sợ, mất danh dự nhưng người bị trừng phạt vẫn phải nể trọng ta. Với mục đích phi
nghĩa, tà tâm thì sự trừng phạt này lại là cơ hội để tiêu diệt người khác, dùng khuyết điểm như cái bia thu hút miệng lưỡi thiên hạ, vì vậy người bị trừng phạt sẽ thân bại danh liệt. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, đã làm người thì không ai là không có lỗi lầm, càng làm nhiều, càng sống lâu thì càng nhiều sai lầm (ngay cả nhà sư sống trong chùa với thần Phật, lánh khỏi bụi trần nhưng vẫn tự răn hàng ngày để tránh mắc lỗi với đạo). Ngược lại với những kẻ gây ra tội lỗi không thể dung tha mà không bị trừng phạt, thì lúc đó chân lý và lẽ phải bị xóa sổ rồi. Vấn đề đặt ra là cách xử lý, trừng phạt những sai lầm của con người phải mang tính răn đe nhưng bao dung, nhân văn. Nếu lạm dụng trừng phạt hay trừng phạt thái quá, sẽ chỉ đem lại oán hận và thâm thù không bao giờ giải tỏa được. Nói hình tượng thì trừng phạt là bắt sâu tỉa cành cho cây bị bệnh, chứ không phải đem rìu chặt cây. Tuy nhiên, với sự phát triển về tri thức và văn hóa như hiện nay, thì mọi quyết định dường như nằm trong tay của người có quyền trừng phạt. Nhiều người chưa kịp biết mình mắc lỗi nặng nhẹ thế nào thì án đã quyết xong, còn lắm kẻ tội to tày đình vẫn nhởn nhơ đợi ngày tháng đẹp để được phê bình!
Sự trừng phạt trong một số trường hợp phải công khai và dựa vào chính nguyên tắc mà những kẻ tội lỗi đã đặt ra. Vào đời nhà Ngụy thời Chiến quốc, Tây Môn Báo được cử đến nhậm chức tại huyện Nghiệp - một nơi nghèo khó và khổ cực. Tây Môn Báo điều nghiên kỹ càng đời sống ở đây và phát hiện ra nỗi khổ cực của dân chúng chính là tập tục cưới vợ cho Hà Bá. Mỗi năm một lần, dân làng phải quăng xuống sông một trinh nữ nếu không Hà Bá sẽ nổi giận dâng nước lụt lội, làm mất mùa! Thực ra đây là một trò bịp bợm mà các thân hào câu kết với các thầy mo để thu tiền cúng tế của người dân. Tây Môn Báo quyết định xóa bỏ tập tục này. Vào hôm tổ chức cưới vợ cho Hà Bá, Tây Môn Báo đến dự và tuyên bố vì là quan mới nhậm chức nên mình phải đích thân đứng ra cầu khấn thương lượng cho dân. Đầu tiên ông xem mặt cô gái chuẩn bị đi làm dâu rồi nói: “Hà Bá cần một tuyệt sắc giai nhân, cô gái này không đẹp lắm nên chưa chắc Hà Bá đã hài lòng. Vậy phiền bà mo thay ta xuống nói với Hà Bá rằng đợi mấy hôm nữa sẽ tìm cô dâu khác xinh đẹp hơn, gửi xuống sau”. Ông cho người đem bà mo ném xuống sông rồi cung kính đứng chờ nhưng mãi không thấy bà mo lên báo tin tức? Ông nói: “Bà mo già này không làm được việc, để các đệ tử đi giục xem sao?”. Ông lại sai ném xuống sông vài bà mo trẻ hơn và cũng không thấy ai về báo tin? Ông ca thán: “Các bà mo đều là đàn bà không làm được việc lớn, phải nhờ thầy lý đi một phen”. Ông tiếp tục sai ném lý trưởng xuống sông rồi cung kính đứng chờ vẫn không có ai quay lại. Ông tỏ ra bực tức: “Sao Hà Bá giữ khách lại chơi lâu thế? Đành phải phiền đến hào trưởng, đình trưởng đi xuống đó xem sao?”. Mấy quan chức này nghe vậy khiếp vía quỳ xuống xin tha tội chết. Lúc đó Tây Môn Báo nói rõ rằng: “Sông cuồn cuộn chảy về biển, làm gì có Hà Bá nào mà giết oan bao nhiêu con cái của các gia đình lương thiện? Từ nay về sau, ai dám nói đến việc Hà Bá cưới vợ để mê hoặc dân chúng sẽ bị trị tội”. Hủ tục dã man đó bị xóa bỏ nhờ sự trừng phạt khéo léo, công khai, theo đúng lý lẽ của đám thầy cúng.
Trên cuộc đời, những nhân vật nổi tiếng, tài năng cũng không tránh khỏi sự trừng phạt oan uổng. Trong những trường hợp cụ thể, phải quyết định hình thức trừng phạt để làm gương cho kẻ khác, tuy có đau lòng rơi lệ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 3-1947, Đại tá Trần Dụ Châu được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục quân nhu, Bộ Quốc phòng. Mùa hè năm 1950, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó Tổng thanh tra quân đội lên gặp để cho xem bức thư của đại biểu Quốc hội, nhà thơ Đoàn Phú Tứ tố cáo Trần Dụ Châu, bức thư có đoạn tả về tiệc cưới mà Châu tổ chức cho tay chân ngay tại chiến khu: “Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bò thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp đưa lên. Ban nhạc Cảnh Thân được mời từ Khu Ba lên tấu nhạc réo rắt. Trần Dụ Châu mặc quân phục Đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới...”. Và Đoàn Phú Tứ với lòng tự trọng của mình đã dũng cảm nói thẳng: “Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức giao cho thanh tra quân đội vào cuộc. Kết luận của thanh tra rõ ràng: Trong thời gian đương chức, Châu đã phạm tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, ăn chơi sa đọa, phá hoại công cuộc kháng chiến. Quân pháp Bộ Quốc phòng đã khám xét nơi ở và làm việc của Trần Dụ Châu. Trong két sắt của gã vẫn còn số tiền mặt gần 1 triệu đồng và 25.000 đôla Mỹ cùng với nhiều tài sản quý hiếm: Vàng, kim cương mà gã đã rút ruột ngân sách. Tính ra số tiền gã tham ô để mua sắm tài sản riêng trị giá bằng vạn tấn gạo. Ngoài tiền tham ô, Trần Dụ Châu còn nhận hối lộ từ các đầu mối chuyên cung ứng hàng hậu cần cho quân đội. Cơ quan quân pháp còn thu được hàng trăm bức ảnh “sex” và cảnh sinh hoạt “phòng the” sa đọa của gã với nhiều loại gái từ nội thành Hà Nội ra phục vụ.
Ngày 5-9-1950, tại Thái Nguyên, Chánh án tòa án binh tối cao đã tước quân hàm Đại tá và kết án tử hình Trần Dụ Châu. Bị cáo và gia đình gửi đơn kháng án lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin được khoan hồng. Thiếu tướng Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp đến gặp Người xin ý kiến cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ông Ninh ra góc vườn, chỉ vào một cây xoan héo lá và hỏi ông có biết lý do tại sao cây sắp chết? Ông Ninh trả lời nguyên nhân vì cây bị sâu đục thân, làm chảy hết nhựa sống. Người lại hỏi muốn cứu cây phải làm thế nào? Ông Ninh trả lời chỉ có cách bắt và giết hết lũ sâu đục thân cây. Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”. Cuối cùng, sau một đêm trắng suy nghĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký bác đơn chống án của Trần Dụ Châu. Và bản án đã được thi hành tại trường bắn lúc 18 giờ ngày hôm sau.