Tái cơ cấu doanh nghiệp: Yêu cầu bức thiết

Kinh tế - Ngày đăng : 07:38, 12/11/2012

(HNM)  - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ, các ngành thực hiện nhiều năm qua. Đây là việc cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển năng động hơn và xứng đáng với nguồn lực tổng hợp, to lớn mà khu vực DNNN đã được sử dụng một cách ưu ái.

Tái cơ cấu doanh nghiệp là việc làm cần thiết để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.


Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trải qua quá trình đổi mới, sắp xếp lại DNNN, đến nay số DNNN nắm giữ 100% vốn đã giảm từ 5.655 DN năm 2001 xuống 1.309 DN vào cuối năm 2011. Chính phủ và các bộ, chính quyền địa phương đã thực hiện một số phương án, biện pháp để chủ động giảm bớt số DN chủ yếu như cổ phần hóa (CPH), giao, bán, khoán, giải thể DN… kết hợp với việc đa dạng hóa hình thức sở hữu. Dự tính, từ nay đến năm 2015, số DNNN hiện có gồm gần 1.309 đơn vị sẽ giảm xuống 692 đơn vị mà Nhà nước chiếm 100% vốn. Đây là những DN thuộc lĩnh vực công ích, an ninh - quốc phòng và DN kinh doanh các ngành xương sống, tối quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, sẽ CPH 573 DN và sắp xếp lại, giải thể, phá sản 44 DN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giảm dần số lượng DN không có nghĩa là làm cho DNNN nhỏ bé về đội ngũ mà là hướng tới tiêu chuẩn cao hơn là tăng cường tính chuyên nghiệp, năng lực quản trị, hoạt động theo hướng mở và tham gia ngày càng sâu rộng hơn trên thị trường quốc tế. Mục tiêu hướng tới là làm sao để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, xứng đáng là trụ cột, đủ khả năng dẫn dắt, chi phối đối với nền kinh tế.

Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng CIEM cho biết, giữa chủ trương tái cơ cấu DN với thực tế đã diễn ra vẫn còn khoảng cách và cơ quan chức năng, quản lý cần hướng tới việc xóa bỏ khoảng cách này. Các chuyên gia cũng khẳng định định hướng là một khi DNNN tiếp tục giảm và giảm đến đâu thì các DN thuộc khu vực tư nhân cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ "tiếp quản" đến đó. Đặc biệt, các chuyên gia thống nhất đánh giá rằng, hiện nhiều DN ngoài nhà nước đã đủ lớn mạnh qua thời gian, có đủ tiềm lực, công nghệ, sự sẵn sàng tham gia vào nhiều dự án, lĩnh vực trong đời sống xã hội, tập trung vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, dịch vụ thương mại, sản xuất và chế biến các loại hàng xuất khẩu…

Đặc biệt, DN tư nhân được khuyến khích tham gia vào những dự án xây dựng hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư để từ đó phát huy tối đa nguồn lực trong dân, kết hợp với việc "giảm tải" cho ngân sách nhà nước. Đại diện một số tổ chức kinh tế nước ngoài cũng xác nhận, việc thu hút mạnh nguồn vốn từ DN tư nhân trong nước là rất đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho từng chủ DN phát huy sở trường, tiềm năng tài chính và trí tuệ để phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó, Nhà nước càng thu được nhiều nguồn đóng góp vào ngân sách, lại đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực DN nói chung theo những tiêu chí, cam kết về mở cửa hội nhập của Việt Nam.

Để thực hiện mục đích trên, cơ quan quản lý sẽ từng bước xóa bỏ tình trạng độc quyền hiện còn ở một số ngành đối với DNNN, thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đa dạng hóa sở hữu DN… Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xác lập, triển khai những biện pháp khả thi, vận động chủ DN áp dụng cung cách quản lý hiện đại, tăng cường du nhập và ứng dụng công nghiệp hiện đại, gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm và cải thiện sức cạnh tranh của DN trên thị trường.

Về phía mình, mỗi DN cần nhìn thẳng vào những yếu kém của mình, phân định rõ nguyên nhân nào là do khách quan hoặc chủ quan để từ đó "lột xác" một cách nhanh chóng và toàn diện.

Hồng Sơn