Nỗi niềm nhà cổ Phú Hữu

Xã hội - Ngày đăng : 08:01, 11/11/2012

(HNM) - Đến với làng cổ Phú Hữu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì ngày nay, dù những ngôi nhà cổ đang ít dần đi theo năm tháng, nhưng những ngôi nhà cổ nép mình khiêm nhường bên những bờ tường đá ong vài trăm tuổi, trong những khu vườn và cây cổ thụ cũng đủ để ta thấy nét tinh xảo của kiến trúc xưa.

Thôn Phú Hữu trước đây có tới hơn 30 nếp nhà cổ, nay chỉ còn hơn chục nhà còn giữ lại được nguyên vẹn. Trong những ngôi nhà cổ kính là những cột gỗ đen bóng cùng thời gian, vì kèo, xuyên, hoành phi, bản khoa, cửa đố… chạm trổ tinh xảo, những chiếc bình vôi, mâm gỗ, các loại hũ, lọ đựng mắm muối, lu đựng nước do các lò gốm của làng sản xuất cách đây vài trăm năm vẫn được giữ gìn. Những ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây 200 năm, trải qua bao biến đổi của thế thời, nhưng vẫn giữ được nét rất riêng, truyền thống. Nó chính là kho báu, là cội nguồn nhân văn, là nét khắc vĩnh hằng mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế.

Bình yên làng cổ Phú Hữu.


Con đường từ UBND xã đến thôn Phú Hữu không xa, chỉ mất mươi phút xe máy qua những khúc quanh co và vài con dốc. Vị cán bộ văn hóa xã dẫn đường đưa chúng tôi đến ngôi nhà cổ của gia đình ông Chu Trương Chinh, ngôi nhà này đã trải qua sáu đời trong dòng họ mà chưa cần sửa sang, trùng tu. Gần 200 năm qua, nhiều thế hệ gia đình ông Chinh đã sống trọn cuộc đời trong ngôi nhà cổ này. Ông Chinh cho biết nhà làm vào năm 1831, do cụ Chu Bá Bằng vốn là một "trùm làng" xây dựng, nhà gồm 9 gian, dài gần 24m, xây bằng gạch đá ong, 4 góc nhà là 4 trụ cột, đầu đắp cao theo kiểu đèn lồng; khung nhà làm bằng gỗ xoan theo lối câu đầu lộn túi, 2 mái chồng giường, cột 6 hàng chân, 12 cánh cửa bức bàn vẫn còn nguyên vẹn. Đồ thờ tự bên trong gồm hoành phi, câu đối, bài vị… đều có từ thời xây dựng ngôi nhà này. Những năm tháng chiến tranh, một quả bom rơi đúng giữa sân mà ngôi nhà không hề bị suy chuyển. Giờ các con ông Chinh đều đã trưởng thành, đã chuyển ra ngoài trung tâm xã sinh sống, làm ăn cho tiện đường giao thông. Trong ngôi nhà cổ chỉ còn hai ông bà già chăm lo hương khói tổ tiên.

Ông Chu Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, thôn Phú Hữu vẫn còn giữ được hơn chục ngôi nhà cổ xây bằng đá ong, mái ngói, trong đó có những ngôi nhà đặc biệt có niên đại gần 200 năm. Trải qua năm tháng, nắng mưa nhiều ngôi nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân thôn Phú Hữu quý những ngôi nhà cổ, song khó giữ lại. Theo ông Chu Trương Chinh, ở nhà cổ tuy mát, đẹp nhưng bất tiện. Đơn giản như chuyện đảo ngói bây giờ là cả một vấn đề. Cũng giống như nhà cổ ở nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, nhà cổ ở Phú Hữu lợp bằng ngói mũi hài, thứ ngói này khoảng mười năm là phải đảo lại một lần nếu không sẽ dột. Những người biết đảo ngói bây giờ rất hiếm. Phải khó khăn lắm mới đón được thợ, ngày công lại cao. Mỗi lần đảo ngói mất mấy triệu đồng. Vì không đủ tiền trùng tu nhà cổ chủ yếu làm bằng gỗ, gia đình ông Chu Ngọc Hùng đã phá bỏ đi ngôi nhà cổ xây dựng từ năm 1831 để xây nhà mới hiện đại. Theo lý giải của ông Hùng, bây giờ thợ trùng tu nhà cổ rất hiếm, giá nhân công, vật liệu gỗ đắt đỏ, phải mất tới vài trăm triệu đồng mới đủ để trùng tu nhà cổ, món tiền này vượt quá khả năng của gia đình. Trong khi đó chỉ cần 100-200 triệu đồng là gia đình ông đã xây được nhà mới.

Giờ các gia đình có điều kiện ở Phú Hữu đều muốn "hạ sơn" xuống dưới chân đồi tậu đất làm nhà, ở gần đường to, tiện xe cộ, tiện buôn bán chứ không muốn sống chênh vênh trên lưng chừng đồi nữa. Vì vậy, ông Tuấn bảo, những xóm nhà cổ và những bức tường đá ong còn lại trong thôn Phú Hữu nếu không được quan tâm lưu giữ thì trong tương lai không xa sẽ biến mất hoàn toàn. Đây không chỉ là mong muốn của chính quyền địa phương mà còn là của các chủ nhân những ngôi nhà cổ.

Sơn Tùng