Kỳ vọng bất ngờ trong chặng cuối
Văn hóa - Ngày đăng : 07:57, 11/11/2012
Truyện ngắn dự thi Báo Văn nghệ phần lớn đều là những tác phẩm có chất lượng. |
Cơ hội nhận diện truyện ngắn Việt đương đại
Không tổ chức rầm rộ, nhưng cuộc tọa đàm thu hút được nhiều ý kiến trực diện, học thuật của các nhà văn nhà phê bình văn học nhiều lứa tuổi như Lê Thành Nghị, Nguyễn Khắc Trường, Y Ban, Bùi Việt Thắng, Cao Việt Dũng, Đoàn Ánh Dương… Nói về một cuộc thi truyện ngắn của một tờ báo, nhưng vì lẽ đây cũng là địa chỉ uy tín của làng văn, nên xem như qua đây có thể "bắt" được diện mạo của truyện ngắn Việt đương đại.
Đa số ý kiến cho rằng sức hút của truyện ngắn đã giảm sút rõ rệt so với thời cuối những năm 1980 đầu 1990. Người viết thì vẫn có, truyện ngắn vẫn nhiều nhưng không ít tờ báo có trang văn nghệ vẫn "đói" truyện ngắn hay. Nhà LLPB Cao Việt Dũng bày tỏ cảm giác: Giờ đây có lúc đọc ba truyện ngắn còn mệt hơn đọc một cuốn tiểu thuyết. Có ít nhất hai đại biểu bày tỏ tổ chức cuộc thi truyện ngắn trong bối cảnh này mà không lạc quan là cầm chắc… thất bại.
Nhà văn Y Ban, tham gia đọc sơ khảo cho cuộc thi chia sẻ: Mỗi lần nhận hàng cân bản thảo truyện để đọc, quả rất nhọc nhằn, và đa số cũng chỉ dám ghi là "có thể dùng được" chứ cũng không có cơ hội ghi một chữ "hay".
Còn cây bút lão làng Nguyễn Khắc Trường thì vừa hài hước nhưng cũng vừa nghiêm túc khi phân tích: Không chỉ có truyện ngắn đâu, mà văn học nói chung vẻ như đang đứng im thì phải. Những điều cần nói người ta đã nói hết cả rồi. Ngay cả giải của Hội Nhà văn Việt Nam, đọc 60 cuốn tiểu thuyết mới được một cuốn. Cũng có những tác giả gây ấn tượng, nhưng ít.
Tuy nhiên, nói như thế không phải là truyện ngắn Việt gần đây không có gì, bản thân cuộc thi trên Báo Văn nghệ không phải là không cho thấy những tín hiệu tốt. Nhà phê bình Lê Thành Nghị khẳng định nền chung của cuộc thi cho thấy một mặt bằng tương đối cao của văn chương đích thực, khác hẳn với văn học mạng vốn nhiều tính giải trí. Tài năng khó nói cao thấp nhưng rõ ràng thể hiện sự khác nhau: nó hoạt bát ở người trẻ và đằm thắm ở những cây bút nhiều kinh nghiệm.
Nhà LLPB Đoàn Ánh Dương cũng nhận định mặc dù chưa có sức bật lớn, nhưng truyện ngắn đương đại của người viết trẻ cũng có những cái tên đáng chú ý như Uông Triều, Kiều Bích Hậu, Thùy Anh…
Vun đắp những gì đã có
Không chỉ đưa ra những nhận định có tính bao quát, những nhà văn, nhà LLPB có kinh nghiệm, có "thẩm quyền" về chuyên môn còn đưa ra những phân tích học thuật cụ thể. Đáng chú ý khi nhà văn Y Ban chia sẻ: Đề tài nông thôn được phản ánh qua các tác phẩm ở cuộc thi này rất phong phú. Thậm chí không ít truyện có chi tiết hay. Tuy nhiên, việc khai thác chi tiết còn vụng. Hình như có một sự dễ dàng trong viết truyện ngắn. Đặc biệt rất thiếu vắng những trang viết "đọc chậm", tức là khả năng phân tích tâm lý nhân vật phải khiến người đọc không thể vội vã lướt qua. Cây bút này khẳng định: Đi sâu phản ánh thân phận con người mà không có phân tích tâm lý thì sẽ không thể có tác phẩm hay.
Tác giả của "Mảnh đất lắm người nhiều ma" - nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng nêu rõ: Truyện ngắn phải viết kỹ. Nó phải có đời sống trong đó. Các ý kiến khác cũng đưa ra nhiều nhận định thú vị, thiết thực như mong có "những đột phá về cấu trúc và ngôn ngữ. Và nguyên lý tảng băng trôi vẫn là một thách thức không nhỏ"; rồi truyện ngắn hơn hết lúc nào rất cần đến hai chữ "tinh tế" để thu hút và ở lại trong lòng bạn đọc. Về điều này, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ nói vui nhưng cũng là một minh chứng: Rằng các cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội liên tục mấy mùa giải liền, ngôi vị cao nhất đều thuộc về các cây bút nữ. Vẻ như giữa đòi hỏi về sự tinh tế của truyện ngắn với tâm hồn nữ giới đã có sự đồng điệu hơn so với nam giới.
Có thể nói, mong là mong vậy, nhưng tài năng không phải cứ muốn là được. Có lẽ nên chia sẻ nhiều với các ý kiến cho rằng cần lạc quan với những gì đã đạt được. Chặng một của cuộc thi chẳng phải đã mang đến cho bạn đọc một chùm truyện ngắn ra vào dịp Tết khá ấn tượng. Và cuộc thi cũng còn đến ba tháng nữa. Không ít nhà văn nhớ lại cuộc thi của Văn nghệ Quân đội năm nào đã tìm được giải nhất vào đúng ngày cuối cùng khi Đỗ Bích Thúy nộp truyện ngắn "Sau những mùa trăng".
Nhà văn Sương Nguyệt Minh là người cũng nghiêng về xu thế lạc quan, ông bày tỏ: Phút 89 vẫn có thể có những tác phẩm mới gây bất ngờ cho Ban giám khảo. Và nếu đặt những tác phẩm nổi trội qua chặng một của cuộc thi này thì thấy không kém gì với nhiều cuộc thi trước. Và giải thưởng dù thế nào cũng chỉ là của một tập thể mà thôi.
Thiết nghĩ, đúng như vậy. Quan trọng là đã có được một sân chơi nghề nghiệp nghiêm túc. Đã có được một cuộc hội ngộ, để kiếm tìm những cây bút triển vọng. Sự nghiêm túc, khắt khe và mong mỏi những đỉnh cao hoàn toàn bình thường và cần thiết. Trong khi chờ đợi, chả nên quên bồi đắp, trân trọng những gì đang có.