Chắc chắn tôi sẽ lại trở về

Văn hóa - Ngày đăng : 07:48, 11/11/2012

(HNM) - Tại Hà Nội, khi ca khúc

Nhà thơ Phan Vũ.


- Thưa nhà thơ Phan Vũ, rất nhiều độc giả thắc mắc ông gắn bó như thế nào  với Hà Nội mà có thể viết nên bài thơ "Hà Nội phố" để sau này thành ca khúc "Em ơi Hà Nội phố" vang mãi đến bây giờ?

- Nhiều bạn đã hỏi tôi câu hỏi này. Sự thật là tôi sinh ra tại Hải Phòng nhưng từ nhỏ đã được bố cho ra Hà Nội học. Nên Hà Nội là nơi ghi nhận những tháng năm tôi trưởng thành, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ trong tôi. Bài thơ "Hà Nội phố" được  tôi sáng tác vào mùa đông năm 1972 đúng thời điểm Hà Nội bị ném bom dữ dội, người người phải đi sơ tán. Trong một đêm lang thang giữa những góc phố hiu quạnh gần Nhà máy điện Yên Thế, cảm xúc nhớ Hà Nội bình yên đã thôi thúc tôi viết nên những ca từ đau đáu. Cảm xúc, bối cảnh trong thơ đều được lọc từ những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa đông Hà Nội.

 "Hà Nội phố" được sáng tác trong một thời gian dài. Có những lúc cảm xúc tuôn trào tôi không kịp viết ra liền nhờ cô bé nhà bên mới chừng 15-16 tuổi chép lại. Tôi tái hiện Thủ đô trong trái tim bằng ký ức bạn bè, góc phố, tiếng chuông nhà thờ, tiếng sóng Hồ Tây… Lúc tôi viết Hà Nội đang bị bom Mỹ tàn phá, người dân sơ tán. Chính vì vậy mỗi đoạn đầu của thơ điệp khúc "ta còn em" cứ vang mãi, vang dọc suốt  23 đoạn thơ. Điều đặc biệt, trong bài thơ có hàng chục âm thanh vang lại và hơn 30 gương mặt của cô gái Hà thành. Nhiều người viết thư hỏi tôi về những cô gái xuất hiện trong thơ, và một số cô gái nhận mình là nhân vật đó làm tôi vui sướng khi mình đã khắc họa được hình ảnh đẹp của người con gái trong thơ thành công.

- Vì sao "Hà Nội phố" ra đời năm 1972 và mãi hơn 10 năm sau độc giả mới được biết đến? 

- Tôi không dám nhận mình là nhà thơ, nhưng được độc giả yêu mến nên tôn danh. Tôi không xuất hiện trên thi đàn và các tác phẩm của tôi cũng chưa hề phổ biến rộng rãi. Tôi làm thơ chỉ để thỏa nhu cầu ghi lại cảm xúc của bản thân. Suốt bao nhiêu năm "Hà Nội phố" vẫn nằm im trong trái tim tôi. Sau 1975, tôi chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, hành trang mang theo có cả tập thơ "Hà Nội phố" được chép lại nằm yên trên trang vở. Suốt thời gian đó tôi vẫn lang thang ở những quán café gặp gỡ bạn bè văn nghệ sĩ, mang trường ca "Hà Nội phố" đọc cho những con người sống xa quê hương như một niềm an ủi, sẻ chia.

Mùa thu Hà Nội từ lâu đã trở thành cảm hứng cho các văn nghệ sĩ. Ảnh: Nguyên Nguyên

Năm 1985 tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Phú Quang tại TP Hồ Chí Minh. Ngồi uống café tôi đã đọc cho Phú Quang nghe "Hà Nội phố". Ngay sau đó Phú Quang đã cảm nhận được cái hồn bài thơ và lập tức xin phép tôi phổ nhạc. Từ 300 câu tôi phải chọn lọc ra 20 câu thơ để viết nên bài hát "Em ơi Hà Nội phố". Sự thành công Phú Quang đã giúp khai sinh một bài thơ mà công chúng chưa hề biết đến, để rồi giúp "Em ơi Hà Nội phố" vang mãi đến bây giờ. Mỗi lần có sự kiện, có ca sĩ hát bài này, hay đi uống café nơi đất khách quê người mà nghe vang vang lên âm điệu bài hát là lòng tôi lại nhớ Hà Nội. Nhớ đến da diết!

- Suốt thời gian qua, không chỉ ngâm thơ mà ông còn hát "Em ơi Hà Nội phố" dù không phải là ca sĩ?

- Tôi chỉ hát cho những ông bạn già nghe thôi. Gần mười năm trở lại đây tôi thường tổ chức chương trình đọc trường ca "Hà Nội phố". Đích thân tôi ngâm thơ và nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn tại quán cafe Ghita gỗ ( TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra những đợt đi đến tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tôi cũng đều đọc cho khán giả nghe. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tôi mới có dịp về đọc "Hà Nội phố" cho người Hà Nội nghe. Tôi nhớ lắm lúc đó, hơn 300 người có mặt tại khán phòng làm tôi hồi hộp. Rồi khi bài thơ kết thúc, tôi đã nghẹn lại khi đón nhận những cái ôm rất chặt, những ánh mắt rưng rưng và nguyên một xe ô tô chở đầy hoa của khán giả tặng…

- Ông có thể cho biết đôi chút về cuộc sống hiện tại của mình như thế nào?

- Tôi năm nay 86 tuổi rồi, hơn chục năm qua tôi lại có đam mê thêm nghề vẽ lúc rảnh rỗi an nhàn. Vẽ để thỏa chí và làm trẻ tâm hồn khi tuổi già đeo bám.  Có một phòng tranh riêng nho nhỏ, là nơi tôi trưng bày tác phẩm và  là nơi vẫn thường uống trà giao lưu cùng bè bạn. Năm sau tôi định cho xuất bản tập thơ riêng kèm tranh vẽ của tôi. Nếu sức khỏe cho phép thì tôi vẫn về Hà Nội để đọc thơ cho khán giả nghe. Chưa có lịch trình nào cụ thể, nhưng chắc chắn tôi sẽ về vì nhiều người Hà Nội nói nghe thơ tôi chưa đã.

Tuệ Diễm