Tích cực giải quyết nợ xấu

Kinh tế - Ngày đăng : 08:18, 10/11/2012

(HNM) - Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 8-10% trên tổng dư nợ tín dụng, trong đó các khoản nợ có tài sản bảo đảm chiếm 84%.


Với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng là 8-10%, con số nợ xấu được tính toán khoảng 250 nghìn tỷ đồng. Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, các tổ chức tín dụng đã trích lập 70.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, cộng với các tài sản bảo đảm, việc xử lý nợ xấu không quá khó. Song, vấn đề ở đây là phần lớn tài sản thế chấp là BĐS, mà thị trường BĐS đang thiếu tính thanh khoản. Hiện NHNN đang phối hợp với Bộ Xây dựng để tháo gỡ nút thắt này.

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao không đáng ngạc nhiên, bởi trong suốt mấy năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng. Cụ thể, trước năm 2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng hơn 29%/năm, còn từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm tăng trưởng tín dụng 33,4%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nhanh đã khiến một phần của tổng dư nợ tín dụng bị chuyển thành nợ xấu. Lý giải cho tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, mấy năm trước các ngân hàng đã nới lỏng quy định về cho vay BĐS, khiến giá BĐS bị "thổi" lên quá cao, gây ra tình trạng "bong bóng". Thời điểm đó, người ta đổ xô mua đất trong khi nhu cầu thực tế lại không nhiều đến thế. Tình trạng "nhà nhà buôn đất, người người buôn đất" khiến BĐS bỗng dưng trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn số một. Cũng bởi lý do giá đất tăng quá nhanh, nên hầu hết các DN cứ "xin" được dự án là có lợi nhuận, đẩy đến tình trạng DN "đua nhau" xin cấp dự án BĐS. Dự án mọc lên như "nấm". Nhưng, giá BĐS không tăng mãi, "bong bóng" đã bị vỡ, khiến giá của kênh đầu tư BĐS đã phá hết đáy này đến đáy khác. Ngay cả khi giá BĐS rơi xuống mức thấp thì người mua không có, đẩy thị trường vào tình trạng bị "đóng băng". Không có người giao dịch cũng đồng nghĩa với việc những khoản tiền vay ngân hàng bị "chôn" một chỗ. Chừng nào thị trường này không còn giao dịch, chừng đó những khoản nợ tiếp tục bị coi là nợ xấu.

Mặc dù khoản nợ xấu không nhỏ, chiếm 8-10% tổng dư nợ của toàn hệ thống, với mức tương đương khoảng 250 nghìn tỷ đồng, song đại diện NHNN vẫn khẳng định, để giải quyết nợ xấu không khó nếu khai thông được thị trường BĐS. NHNN đang triển khai chương trình với Bộ Xây dựng để giải quyết hàng tồn kho. Còn về phía các ngân hàng thương mại cũng đang tích cực trích lập đầy đủ quỹ dự phòng rủi ro, nếu ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro, sẽ không được chia cổ tức. NHNN sẽ có các biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để vừa bảo đảm lợi nhuận của ngân hàng, vừa xử lý được nợ xấu. NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành để có những giải pháp tích cực trong vấn đề giải quyết hàng tồn kho, nhất là hàng tồn kho trong lĩnh vực BĐS, từ đó gỡ nút thắt cho thị trường. Các dự án BĐS sẽ được đưa về đúng giá trị để phục vụ cho những người thực sự có nhu cầu. Đặc biệt, thời gian tới, NHNN sẽ báo cáo trước Chính phủ về việc thành lập công ty mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, công ty mua bán nợ xấu chỉ là một công cụ giải quyết nợ xấu và dự kiến sẽ xử lý được 60-100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trong một cuộc họp báo Chính phủ gần đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ đã giao NHNN xây dựng đề án tổng thể giải quyết nợ xấu. Việc thành lập công ty mua bán nợ là một trong rất nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết nợ xấu, nhưng công ty mua bán nợ chỉ xử lý một phần nợ xấu. Hơn nữa, không phải xử lý bao nhiêu nợ xấu thì cần bấy nhiêu vốn, NHNN đang lên phương án về quy mô cụ thể của công ty và các nguồn vốn huy động. Nhà nước sẽ không lấy tiền ngân sách trả nợ thay DN.

Đức Anh