Khắc phục tình trạng thất thu ngân sách

Kinh tế - Ngày đăng : 08:15, 10/11/2012

(HNM) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đang được Bộ Tài chính trình Quốc hội (QH) thông qua tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII, quy định cho phép ân hạn thuế 275 ngày đối với doanh nghiệp (DN) sẽ được siết chặt nhằm khắc phục tình trạng chây ỳ của một số DN, đồng thời giải quyết việc DN chiếm dụng tiền thuế và bỏ trốn.



Người dân đến nộp thuế tại Chi cục Thuế Ba Đình. Ảnh: Khánh Nguyên

Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng nhiều hiệp hội ngành hàng đã có công văn "kêu cứu" gửi Thủ tướng Chính phủ với lý do việc bỏ ưu đãi về ân hạn thuế sẽ khiến chi phí của DN tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành hàng xuất khẩu (XK) và làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Bỏ ân hạn thuế, nhiều doanh nghiệp gặp khó

Ngay sau khi phương án sửa đổi Luật Quản lý thuế được Chính phủ trình QH tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII, VCCI và các hiệp hội ngành hàng đại diện cho khối DN sản xuất kinh doanh thuộc 5 ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu (KNXK) lớn, chiếm 35% tổng KNXK quốc gia, sử dụng khoảng 5 triệu lao động đã có kiến nghị liên quan đến phương án siết chặt phương án ân hạn thuế với các DN hoạt động sản xuất xuất khẩu (SXXK). Theo kiến nghị của DN, với luật thuế hiện hành, hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên vật liệu để SXXK sẽ được ân hạn thời gian nộp thuế trong 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trường hợp đặc biệt thời hạn nộp thuế có thể dài hơn 275 ngày phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư của DN. Còn với hàng hóa nhập khẩu (NK) khác, DN phải nộp xong thuế khi nhận hàng. Như vậy, với phương án sửa đổi, hàng hóa XK, NK phải nộp xong thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh, người nộp thuế phải nộp tiền lãi chậm nộp 0,05% ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Theo các hiệp hội ngành hàng, chính sách ân hạn thuế 275 ngày đã tạo nên động lực kích thích phát triển XK và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc bãi bỏ chính sách ân hạn thuế nêu trên sẽ gây nên những tác động tiêu cực cho DN. Trong đó có việc tăng thêm chi phí tài chính lớn do phải nộp thuế nhập khẩu. Hằng năm KNXK Việt Nam đạt gần 100 tỷ USD, giá trị nguyên vật liệu NK để SXXK chiếm khoảng 50%, với mức nộp thuế bình quân khoảng 20% (10% VAT+thuế nhập khẩu). Tiền thuế thu về từ lượng hàng NK đạt trên dưới 10 tỷ USD/năm. Đây là con số quá lớn so với khả năng tài chính của DN trong cả nước, ngoài việc phải huy động nguồn vốn lớn như trên, DN còn chịu chi phí tài chính bình quân 15%/năm trên số tiền nộp thuế (tương đương 1,5 tỷ USD/năm). Việc thay đổi theo phương án đề xuất cũng làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Theo các hiệp hội ngành hàng, để thực hiện các thủ tục này, mỗi DN sẽ phải phát sinh 1-2 nhân viên theo dõi vận hành làm tăng nhân sự và chi phí. Với những tác động trên, chi phí DN sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến giá XK, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Sửa luật để phù hợp với thông lệ quốc tế

Lý giải nguyên nhân sửa đổi, bổ sung quy định DN chỉ được ân hạn thuế khi có bảo lãnh, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, khi đưa ra đề xuất này, ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đã nghiên cứu kỹ, đưa vấn đề này ra lấy ý kiến các bộ, ngành và cộng đồng DN trước khi trình QH, đến nay cơ bản đều nhận được sự đồng thuận. Việc thay đổi một cách căn bản về ân hạn thuế đối với hàng hóa XK, NK nói chung, trong đó có hàng NK kinh doanh, hàng tạm nhập tái xuất và hàng SXXK xuất phát từ một số lý do cơ bản. Thứ nhất, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, nhất là khắc phục tình trạng chây ỳ của một số DN, giải quyết tình trạng chiếm dụng tiền thuế và bỏ trốn. Thứ hai, khi xây dựng luật, ban soạn thảo tính đến sự bình đẳng giữa hàng NK kinh doanh với hàng SXXK và hàng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là khuyến khích ưu tiên tiêu dùng hàng nội, do đó cũng phải tính đến những điều chỉnh về chính sách thuế để khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu trong nước đưa vào sản xuất, nhất là sản xuất để XK… Trong bối cảnh hiện nay, các quy định về pháp luật của Việt Nam sẽ dần phải sửa đổi phù hợp với các thông lệ quốc tế. Thực tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều không cho nợ thuế. Chỉ có một số nước cho chậm nộp thuế, nhưng phải có bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý.

Trước những kiến nghị của DN khi bỏ chính sách ân hạn thuế, đại diện Tổng cục Hải quan cũng chia sẻ với những khó khăn của DN. Tuy nhiên, khi xây dựng luật, ban soạn thảo đã căn cứ vào tầm nhìn dài hạn, không chỉ nhìn vào những khó khăn trước mắt. Theo dự thảo trình QH, trong thời gian bảo lãnh, nguyên liệu nhập khẩu để SXXK không phải trả lãi chậm nộp, nên DN được hưởng lợi từ việc sử dụng tiền thuế (lãi chậm nộp) để đầu tư SXKD trong khi nếu DN NK hàng hóa khác sẽ phải trả lãi chậm nộp này. Quy định như vậy đã tính đến sự chia sẻ bớt những khó khăn của DN.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc sửa đổi Luật Quản lý thuế, song dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ được QH thông qua vào cuối tháng 11. Với những quy định mới, dự kiến công tác quản lý thuế sẽ được kiểm soát chặt chẽ, góp phần giảm tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.

Hương Ly