Bài 5: Càng xa bờ, càng vơi hỗ trợ

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:13, 10/11/2012

(HNM) - Mấy năm gần đây, ngư dân huyện đảo Lý Sơn cũng như một số vùng biển khác khi đánh bắt cá ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của ta nhưng lại bị tàu nước ngoài bắt, cướp sạch tài sản, đánh đập, đòi tiền chuộc rồi mới thả về.

Tàu bị bắt nghĩa là chủ tàu và gia đình rơi vào nợ nần, túng bấn. Rất ít người được cộng đồng quan tâm chia sẻ để vượt khó như trường hợp của "sói biển" Mai Phụng Lưu. Những chính sách hỗ trợ với ngư dân gặp thiên tai đã có, nhưng chẳng bù đắp nổi mất mát...

Chủ tàu thành người làm thuê

Ở huyện đảo Lý Sơn có nhiều ngư dân bị nước ngoài bắt tàu, cướp tài sản, đánh đập. Điển hình là ông Dương Thành Vinh, thôn Tây, xã An Hải trước vốn là chủ tàu có tiếng, nay thành người làm thuê trên tàu cá khác. Sau ba lần bị phía Trung Quốc bắt tàu ở khu vực biển Hoàng Sa (lần thứ nhất cách đây 10 năm, hai lần còn lại là tháng 6 và tháng 9-2009), ngôi nhà trở nên trống hoác. Ba lần bị bắt, ba lần vợ ông Vinh cố chạy vạy tiền nộp phạt từ 50.000-70.000 nhân dân tệ để chuộc chồng về. Ba lần được thả về, ba lần ông Vinh lại vay mượn cả tỷ bạc để đóng tàu. Cứ mỗi lần như thế, tài sản trong nhà bay đi dần, nợ nần ngày càng nặng. Để mưu sinh, không còn cách nào khác, ông Vinh chuyển sang làm mướn. Cũng may là bà con thương tình nên mấy năm nay không đòi nợ.


Sự mệt mỏi của ngư dân tàu QNg 50003 TS.

Hoàn cảnh gia đình anh Đỗ Ngọc Thọ, thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng không khác là mấy. Hai lần đi khơi, hai lần bị bão biển và cũng là hai lần bị chính quyền Malaysia và Philippines bắt. Hai lần tàu của anh Thọ bị bắt là hai lần vợ anh bấm bụng đi vay tiền để chuộc chồng về cho bằng được. Giờ đây, vợ anh hằng ngày mua bán cá, khuân vác đá ở cửa Sa Kỳ kiếm thêm chút tiền trang trải việc gia đình. Đứa con gái lớn cũng không thi vào trường chuyên nghiệp mà ở nhà giúp mẹ nuôi ba đứa em ăn học. Gia đình chị sẽ không khổ như thế nếu anh Thọ không bị bắt.

Hai hoàn cảnh trên chỉ là ví dụ trong rất nhiều gia đình rơi vào túng bấn khi tàu bị nước ngoài bắt giữ. Sau khi bị bắt, hầu hết họ chỉ còn tay trắng, phải đối mặt với tình thế lưỡng nan: ở nhà thì đói, ra biển thì đối mặt với nguy cơ bị giữ tàu vô lý. Có người đã bỏ biển lên bờ. Tuy nhiên, phần lớn đàn ông xứ biển như ông Vinh, anh Thọ, dù bị bắt, mắc nợ... họ đều quay lại biển khơi. Vì đó cũng là nơi duy nhất họ có thể kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con dù họ biết ngoài đó nhiều gian nan và bất trắc.

Chỉ dựa vào nhau là chưa đủ

Nói về những khó khăn của ngư dân, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, tàu thuyền bị nước ngoài bắt, thì hầu như ai cũng rơi vào cảnh nghèo túng. Ở xã Bình Châu, có không ít trường hợp do bị bắt nhiều lần, đã sạt nghiệp, phải bỏ biển lên bờ. Theo thống kê của UBND xã Bình Châu, toàn xã có khoảng 30 tàu thuyền và 250 ngư dân bị nước ngoài bắt, trong đó số tàu bị phía Trung Quốc bắt chiếm khoảng một phần ba. Ông Hùng đề xuất, bây giờ chỉ còn cách đầu tư thành lập các tập đoàn đánh bắt hải sản với tàu lớn, ra biển vài chục chiếc kết thành đội, mới mong đối phó được với tàu nước ngoài. Biết vậy nhưng lực bất tòng tâm.

Để đối phó với tàu lớn của nước ngoài, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nỗ lực thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội cùng đánh bắt trên biển nhằm giúp ngư dân làm ăn, cứu nhau khi gặp sự cố. Ở đảo Lý Sơn cũng đã có một nghiệp đoàn nghề cá hoạt động gần hai năm nay. Tuy nhiên, với tàu nhỏ và công suất thấp, ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung luôn lép vế trước tàu nước ngoài. Thuyền trưởng tàu QNg 50003 TS, ông Nguyễn Thành Nhất (bị Trung Quốc bắt ngày 21-5-2012) cho biết, khi tàu Trung Quốc đến bắt, có ba tàu ngư dân trong tổ đội sản xuất, nhưng cả ba tàu này gộp lại không bằng tàu của họ nên chạy tán loạn, nhưng rồi cũng bị họ bắt giữ.

Anh Nhất tính toán, nếu mua lại ngư cụ mới, phải mất 150 triệu đồng, nhưng không biết xoay xở ở đâu. Ba anh em khác hùn vào tàu, ai cũng nghèo, nuôi đến 3-4 đứa con, vợ lại không có nghề. Càng tính càng bí. Cách đây hai năm, tàu của anh Nhất được ba bạn chài hùn vốn, nâng cấp mới lên để đi đánh bắt ở Hoàng Sa. Nhờ vậy, đầu nậu mới cho nợ 100 triệu đồng tiền tổn phí. Bây giờ, cả tiền ngư cụ nếu sắm lại phải mất 150 triệu đồng, cộng với 100 triệu đồng phải trả cho đầu nậu. Khi tàu bị bắt, bạn chài không mấy ai muốn đi cùng nữa. Thuyền trưởng tàu QNg 55003 TS Trần Thế Anh kể, để có tiền chi phí ra khơi phiên biển vừa rồi, anh phải cầm sổ đỏ vay của ngân hàng 50 triệu đồng. Tàu không có bạn chài. Vừa rồi mời được 6 anh em từ Ninh Thuận và Khánh Hòa ra đi bạn. Có điều, phải đưa tiền trước cho anh em từ 10-15 triệu đồng thì anh em mới đi.

Ngư dân Nguyễn Quang Tiến từ thôn Ninh Đảo, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) ra xã Bình Châu làm bạn chài tàu QNg 55003 TS, nói như thanh minh, nhà em có 6 miệng ăn trông cả vào em. Ngày trước sáng đi biển, chiều về bến kiếm không nhiều nhưng cũng được 50.000-100.000 đồng để mua gạo. Bây giờ đi xa bờ, phải mượn tiền trước đưa cho vợ và sắp nhỏ chứ biết làm sao? Tiến cũng mong chuyến biển này trúng cá, về còn sắm sửa cho con cái vào năm học mới. Bây giờ ước mong ấy đã tiêu tan, lại hết tiền về quê, đành ở tạm nhà ông Trần Phương (cha của Trần Thế Anh). Thuyền trưởng Anh tính, chuyến biển vừa rồi, ngoài con tàu trị giá 450 triệu đồng đang bị Trung Quốc giữ, gia đình còn nợ của đầu nậu 150 triệu đồng, tổng thiệt hại đã lên tới 600 triệu đồng.

Đã hỗ trợ nhưng vẫn thiếu


Cũng đã có nhiều chủ tàu bị bắt được hỗ trợ như trường hợp ông Lê Vinh, chủ tàu QNg 66101, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, bị phía Trung Quốc bắt và giữ tài sản hồi đầu năm khi đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ông Vinh đã được tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 555 triệu đồng, gồm 380 triệu đồng là tỉnh hỗ trợ và 175 triệu đồng là của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cho vay với lãi suất 0,65%/tháng. Ông Vinh cho biết, ông từng bị bắt ba chiếc tàu và đập phá, lấy tài sản hàng chục lần, nhưng đây là lần đầu tiên được hỗ trợ với số tiền lớn như thế. "Vui lắm rồi, dù số tiền ấy chỉ bù 2/3 so với vỏ tàu phải đóng mới", ông Vinh hồ hởi nói.

Cùng với ông Vinh, ông Trần Phương, chủ tàu QNg 55003 TS, bị Trung Quốc bắt và thu tàu cũng được hỗ trợ tiền để đóng tàu mới. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho rằng, số tiền được hỗ trợ chẳng thấm vào đâu với số tài sản bị mất.

Ông Phùng Đình Toàn, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi khẳng định đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Theo đó, tàu cá công suất từ 90 CV trở lên đi đánh bắt xa bờ, có đủ giấy tờ hợp pháp thì được hỗ trợ nhiên liệu (4 phiên/năm), hỗ trợ máy thông tin liên lạc tầm gần và tầm xa; hỗ trợ một lần máy khai thác hải sản; hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; hỗ trợ tàu cá thiệt hại do thiên tai, địch họa trên biển... Kinh phí hỗ trợ ngư dân được tỉnh Quảng Ngãi duyệt là 32 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 20 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi còn thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân (hiện quỹ có trên 5 tỷ đồng), hỗ trợ mỗi khẩu 15kg gạo/ba tháng, ngư dân bị nạn tử vong trên biển là 2 triệu đồng/trường hợp. "Hai trường hợp Trần Phương và Lê Vinh được hỗ trợ vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã vận động các tổ chức cá nhân đóng góp giúp đỡ", ông Toàn nói.

Nhưng thực tế là số tàu thuyền cần được hỗ trợ quá nhiều, trong khi đó nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi thì có hạn. Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, với các trường hợp tàu cá bị các nước bạn bắt giữ, thì dù tàu đó có công suất bao nhiêu cũng nên xem xét hỗ trợ cho ngư dân. Vì đây là cách giúp ngư dân bám biển xa bờ để mưu sinh và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hiện nay, Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi lên Hội nghề cá Việt Nam và Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị can thiệp với ngành chức năng để chính quyền Trung Quốc thả vô điều kiện hai tàu cá của Quảng Ngãi. Đó là tàu QNg 55003 TS của chủ tàu Trần Phương và QNg 66101 TS của Lê Vinh ở Lý Sơn. Vướng mắc là theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg (ngày 13-7-2010) của Thủ tướng Chính phủ, thì chỉ tàu đánh bắt xa bờ 90 CV trở lên bị nước ngoài bắt giữ mới được hỗ trợ tiền và các chi phí khác. Trong khi đó, hai tàu trên đều có công suất không vượt quá 45 CV.
(Còn tiếp)

Đức Trường - Phạm Anh