Thi hành án bị ngáng đường

Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 10/11/2012

Thi hành án là giai đoạn cuối cùng, kết thúc cả một quá trình xét xử của Tòa án trước đó. Thế nhưng, triển khai thế nào để không bị các tổ chức liên quan ngáng đường là vấn đề nhiều cơ quan thi hành án chưa có phương án giải quyết.

Theo Luật Thi hành án dân sự, các cơ quan chức năng khác phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án để bảo đảm việc thi hành án được nhanh chóng, hiệu quả. Thế nhưng, như ông Nguyễn Văn Liếu (Trưởng phòng Kiểm sát thi hành án dân sự VKSND TP Đà Nẵng) thẳng thắn cho biết, tại Đà Nẵng, nhiều tổ chức đã bất hợp tác với cơ quan thi hành án, thậm chí còn có những vi phạm nghiêm trọng. Không ít vụ khi thi hành án mới vào cuộc thì người phải thi hành án vẫn còn nhà, đất, nhưng sau đó chẳng mấy chốc đều "bốc hơi" hết. Trong trường hợp này, để tẩu tán tài sản, chắc chắn đương sự phải được một trong các đơn vị như: Ban đền bù giải phóng mặt bằng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND phường tiếp tay. Tình trạng này cũng phổ biến ở nhiều địa phương khác.

Cũng vì sự bất hợp tác của nhiều cơ quan nên Điều 58 Luật Thi hành án dân sự: ("Tài sản để thi hành án là kim loại quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá trị được bảo quản tại Kho bạc Nhà nước") đang có nguy cơ "chết yểu". Trên thực tế, Kho bạc Nhà nước không có chức năng kiểm định chất lượng vàng nên có Kho bạc Nhà nước cấp huyện không nhận vàng do Chi cục Thi hành án huyện tạm gửi. Ngoài ra, đồng kíp Lào là tang vật của một số vụ án, tòa tuyên tịch thu sung công nhưng từ nhiều năm nay, Kho bạc Nhà nước không chịu nhận với lý do loại ngoại tệ này không thông dụng.

Cá biệt, cũng có thời điểm, cơ quan thi hành án phải "bó tay" không thể thi hành án với cả doanh nghiệp đang hoạt động. Vì khi kiểm tra doanh nghiệp phải thi hành án chỉ còn mấy bộ bàn ghế cũ để tiếp khách. Theo hướng dẫn, nếu xác định doanh nghiệp đó vẫn "sống" thì chấp hành viên sẽ làm việc với đối tác của công ty phải thi hành án để xem giá trị của hợp đồng hợp tác, thanh toán bằng cách nào nhằm lần tìm tài khoản của công ty này. Nhưng, chẳng đối tác nào muốn làm việc với chấp hành viên, nên đơn vị phải thi hành án cứ nhởn nhơ hoạt động, lơ là nghĩa vụ thi hành án của mình.

Bên cạnh đó, luật hiện hành cũng chưa quy định về chế tài, biện pháp xử lý nếu người có thẩm quyền chậm trễ hoặc không thực hiện yêu cầu của chấp hành viên. Vì thế, không có gì khó hiểu khi công tác thi hành án năm 2012 rơi vào tình cảnh tồn đọng ngày càng nhiều (trên 229 nghìn việc với trên 28 nghìn tỷ đồng).

Hồ Bách