Phải xem tham nhũng là tội phản quốc

Chính trị - Ngày đăng : 09:58, 09/11/2012

(HNMO) – Ngày 9/11, phiên thảo luận về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại Quốc hội “nóng” với vấn đề kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức, đảng viên.


Tham gia góp ý cho dự thảo Luật, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tán thành cao sự cần thiết phải sửa đổi Luật cũng như phạm vi sửa đổi.

Theo đánh giá của các đại biểu, sau 6 năm thi hành Luật, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, xảy ra trong nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành, kể cả những ngành lâu nay ít được quan tâm như y tế, giáo dục, chính sách xã hội với người nghèo, có công…

“Mặc dù luật pháp không phải là phương thuốc vạn năng nhưng việc bổ sung, hoàn thiện luật là hết sức cấp thiết”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hóa nói.

Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng, việc xác định, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng chính là cơ sở để sửa luật.

Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam cho rằng, ngoài những nguyên nhân đã được nêu trong tờ trình Chính phủ và báo cáo của ủy ban Quốc hội, nguyên nhân sâu xa khiến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt hiệu quả không cao là do việc xử lý tội tham nhũng chưa nghiêm.

“Giờ không phải là lúc chúng ta phòng, chống tham nhũng nữa mà là phải tiêu diệt, phải xem đây là tội phản quốc và chống lại nhân dân”, đại biểu Minh nói.

Đánh giá chung về những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ những quy tắc cần thiết để luật có thể đi vào cuộc sống, nhiều quy định còn chưa cụ thể, chung chung, mang tính hình thức hoặc vẫn giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.


Đi vào những quy định cụ thể, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kê khai, công khai tài sản, thu nhập của các cán bộ, công chức, đảng viên, những người giữ chức vụ, quyền hạn. Theo các đại biểu Quốc hội, việc kê khai, công khai thu nhập chính là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa và chống tham nhũng.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa – Đà Nẵng nhận xét, việc kê khai tài sản, thu nhập không phải là vấn đề mới, đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng tất cả “mới chỉ dừng lại ở kê khai rồi để đó, chưa thực tế, chưa có kiểm tra, giám sát”.

“Quy định của chúng ta về vấn đề này chưa nghiêm, chưa có chế tài, khiến việc kê khai còn mang tính hình thức. Tôi đề nghị chúng ta phải xem xét quy định các chế tài đủ mạnh, bắt buộc người kê khai phải kê khai đủ và trung thực, có chế tài tịch thu những tài sản cố tình che giấu, không kê khai và nếu nghi ngờ tính trung thực của người kê khai, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu người đó kê khai lại và kiểm tra tính xác thực của bản kê khai, nếu phát hiện sai phạm thì có quyền xử lý, tịch thu”, đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị, phải kiểm soát chặt tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, quy định ngay trong luật lần này, trong đó nêu rõ, nếu cá nhân có tài sản tăng bất thường mà không giải trình được thì đều là bất minh và phải xử lý.

Chung mối quan tâm, đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam cho rằng, cán bộ, công chức, đảng viên có tài sản tăng thêm hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên là phải báo cáo. Ông cũng đề nghị, với những người có chức vụ, quyền hạn, việc kê khai tài sản, thu nhập bắt buộc cần phải áp dụng với cả con cái chưa thành niên lẫn thành niên của người đó. Tuy nhiên, với các đối tượng đảng viên là hưu trí, nên miễn việc kê khai, bởi như vậy chính là “hình thức”.

Tán thành việc giữ nguyên đối tượng kê khai như luật hiện hành, bổ sung thêm đối tượng là đảng viên, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đánh giá, quy định về kê khai thời gian qua không hiệu quả là do khâu tổ chức thực hiện, chứ không phải do luật. Do đó, nếu mở rộng đối tượng kê khai thì sẽ khó đạt được tính khả thi cao trong điều kiện hiện nay. Theo ông, để thực hiện kê khai có hiệu quả thì phải kiểm soát được tài sản và thu nhập gắn với kê khai.

Đại biểu Lợi cũng ủng hộ việc công khai bản kê khai tài sản ở cả nơi công tác và cư trú dể tránh hình thức vì hiện nay, những người có chức vụ, quyền hạn đều là đảng viên và theo quy định, các đảng viên đều phải sinh hoạt 2 chiều. Vì vậy, việc công khai bản kê khai tại nơi cư trú cũng là cơ sở để nhân dân nơi cư trú giám sát và nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức hàng năm. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi công khai cần được tính toán cụ thể.

Quy định tặng quà, nhận quà của cán bộ công chức cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu Phạm Đức Châu – Quảng Trị, Triệu Là Pham – Hà Giang cho rằng, dự luật chỉ cấm cán bộ, công chức không được nhận tiền, quà tặng thuộc lĩnh vực liên quan đến công việc của mình phụ trách vô hình chung là tạo kẽ hở cho các đối tượng đưa hối lộ vận dụng. Thực tế hiện nay, các đối tượng đưa hối lộ nhiều khi tìm những con đường rất “vòng vèo” để tới được với người cần hối lộ, và người nhận hối lộ cũng ít khi trực tiếp là người phụ trách việc đó, thường là người nhà, người thân… của người đó. Vì vậy, cần nghiêm cấm hành vi đưa, nhận hối lộ dưới mọi hình thức, dù có hay không liên quan đến công việc của mình.

Liên quan đến quy định về Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, các đại biểu nhất trí Ban này được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Tuy nhiên, Luật vẫn cần quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban này, như vậy mới đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần thành lập một cơ quan điều tra độc lập, tinh nhuệ đặt dưới sự chỉ đạo của Ban này để điều tra các vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ.

“Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương không cản trở việc kiện toàn bộ máy Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Đây không phải là cơ quan làm thay Nhà nước, mà là cơ quan giúp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo đường lối phòng, chống tham nhũng”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi lưu ý.

Theo chương trình, dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 23/11 tới.

H.V