Kinh doanh xăng dầu: Bịt lỗ hổng từ cơ chế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 09/11/2012

(HNM) - Giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm, có dấu hiệu nhóm doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần lớn lạm dụng vị thế độc quyền để thao túng thị trường. Trong khi những kẽ hở trong lĩnh vực kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) xăng dầu đang từng ngày gây thất thu NSNN… Những bất cập đã thật sự trở thành vấn đề "nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Thanh tra toàn diện công tác điều hành, kinh doanh mặt hàng xăng dầu là đòi hỏi bức thiết của dư luận. Ảnh: Nhật Nam


Những bất cập trong điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu đã trở thành một trong những điểm "nóng" trong dư luận xã hội. Nhiều đợt tăng giá xăng dầu cho thấy một điểm chung là các DN đồng loạt cùng tăng giá. Đây là điều bất thường, có dấu hiệu nhóm các DN thống lĩnh thị trường đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Đối với Nhà nước, nhóm DN này thường xuyên gây sức ép đòi tăng giá. Với người dân, giá nào cũng phải mua. Bắt tay nhau đều có lợi các DN xăng dầu đã hình thành những "nhóm lợi ích" lũng đoạn thị trường... Trước những biểu hiện độc quyền, mập mờ thông tin lỗ lãi, vừa đá bóng vừa thổi còi trong công tác điều hành kinh doanh xăng dầu, dư luận xã hội đã đặt câu hỏi về lợi ích nhóm, tham nhũng liên quan đến quản lý, điều hành xăng dầu và đề nghị ngành chức năng vào cuộc làm rõ. Bên cạnh đó, việc giá mỗi lít xăng hiện gánh tới 5 loại thuế, quỹ, chiếm hơn 30%, thậm chí tới 40% giá, trong đó chịu cả thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Chưa kể hoạt động TNTX xăng dầu theo thông lệ quốc tế thì có lợi cho đất nước, còn ở nước ta chỉ có lợi cho DN. Do vậy phải có phương thức điều hành khác. Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều hành giá xăng, dầu là vấn đề khó, để hạn chế những tiêu cực, cần siết chặt khâu TNTX xăng dầu. Bên cạnh đó, cần chia nhỏ thị phần của một số DN chiếm thị phần quá lớn (hơn 60%). Ngoài ra, cần giảm thời gian dự trữ lưu thông từ 30 ngày xuống còn 15 ngày…

Trước những quan ngại về tiêu cực trong điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đề nghị cấp có thẩm quyền tiến hành một cuộc giám sát chuyên đề toàn diện về lĩnh vực quản lý giá, nhất là với giá xăng, dầu ngay trong năm 2013. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, từ cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thanh tra toàn diện về quản lý thuế TNTX và lần đầu tiên các số liệu về kinh doanh TNTX, cũng như tình hình thuế thu nhập đối với TNTX xăng, dầu đã được công bố. Sau đó, Chính phủ đã ban hành chỉ thị nhằm tăng cường quản lý hoạt động này. Lý giải việc một lít xăng đang "cõng" nhiều loại thuế, phí trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, xăng, dầu là nguyên liệu gốc hóa thạch, không có khả năng tái tạo. Thông lệ các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu. Ở nước ta mới chỉ thu với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu. Mức thu khoảng 0,1 USD/lít, còn hầu hết các nước thu ở mức 0,4-0,7 USD/lít. Giải đáp vấn đề gây băn khoăn nhiều nhất trong dư luận là việc mỗi lần giá xăng thế giới tăng thì trong nước cũng tăng theo, thế nhưng khi giá giảm trong nước chỉ giảm "nhỏ giọt". Ý kiến này mới đúng về mặt hiện tượng, còn về bản chất, Nghị định 84 của Chính phủ quy định chu kỳ tính giá cơ sở xăng, dầu là 30 ngày. Khi giá tăng cao, Chính phủ phải sử dụng công cụ giảm thuế nhập khẩu. "Trong một thời gian dài, chúng ta đã giữ thuế nhập khẩu ở mức 0%, trong khi biểu thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu là 20-30% và sử dụng quỹ bình ổn giá. Có thời điểm thậm chí phải sử dụng cả định mức của các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối là 300 đồng/lít. Nên khi giá thế giới giảm phải khôi phục lại một phần thuế và quỹ bình ổn, nên giảm giá cũng tính vào phần đã tăng".

Mặc dù người đứng đầu ngành tài chính, một trong những cơ quan có trách nhiệm trực tiếp về quản lý điều hành kinh doanh xăng dầu đã có ý kiến liên quan đến giá xăng, dầu, song việc tổ chức thanh tra, giám sát toàn diện với hoạt động kinh doanh mặt hàng này là cần thiết. Chỉ khi nào những thông tin liên quan được công khai, minh bạch mới có thể khôi phục niềm tin của người tiêu dùng về việc quản lý mặt hàng thiết yếu này.

Hương Ly