Sứ mệnh và thách thức
Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 09/11/2012
Tách khỏi Indonesia từ năm 1999 sau một cuộc trưng cầu dân ý và sau 3 năm dưới sự giám sát của Liên hợp quốc (LHQ), Đông Timor đã chính thức tuyên bố độc lập ngày 20-5-2002. Tuy nhiên, đến tháng 4-2006, quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào khủng hoảng với một loạt vụ xung đột bạo lực nghiêm trọng trên khắp các đường phố thủ đô Dili khiến hàng chục người chết và hơn 150.000 người phải rời khỏi thủ đô. Bất lực trước tình hình an ninh bất ổn trong nước, Thủ tướng Mari Alkatiri khi đó đã phải cầu đến sự giúp đỡ của UNMIT với khoảng 2.500 quân nhân và cảnh sát đến từ các nước: Australia, New Zealand và Bồ Đào Nha… Ngày 26-2-2009, LHQ đã quyết định gia hạn hoạt động của UNMIT và tiếp tục triển khai Lực lượng an ninh quốc tế (ISF) cho việc bảo đảm an ninh cũng như đào tạo các lực lượng địa phương cho Đông Timor theo yêu cầu của chính phủ nước này.
Theo kế hoạch, từ tháng 3-2011 UNMIT đã chuyển giao một số trách nhiệm cho cảnh sát Đông Timor để tập trung vào công tác huấn luyện chuẩn bị cho kế hoạch chuyển giao như đã ấn định vào ngày 31-10 vừa qua. Khẳng định dưới sự dìu dắt của UNMIT, cảnh sát Đông Timor đã có tiến bộ to lớn trên nhiều lĩnh vực, người đứng đầu UNMIT Finn Reske-Nielsen trong phát biểu mới đây cho rằng, sự kiện bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội của cảnh sát nước này vừa qua là minh chứng cho thấy sự lớn mạnh của họ khi phải bảo đảm trọng trách an ninh cho đất nước.
Năm 2012 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của Đông Timor. Một trong những sự kiện được dư luận nhắc đến là việc cựu tư lệnh các lực lượng vũ trang Đông Timor Taur Matan Ruak đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai hồi trung tuần tháng tư vừa qua. Lễ nhậm chức của Tổng thống Taur Matan Ruak diễn ra chỉ vài giờ trước lễ kỷ niệm 10 năm ngày Độc lập (20/5/2002 - 20/5/2012) của Đông Timor. Tháng 7 vừa qua, cuộc bầu cử quốc hội ở Đông Timor cũng đã diễn ra trong hòa bình, an toàn và thành công tốt đẹp với thắng lợi thuộc về đảng Quốc đại tái thiết Đông Timor (CNRT) khi giành được 36,66% phiếu bầu, tương đương 31 trong tổng số 65 ghế trong Quốc hội.
Sự kiện UNMIT trao toàn quyền gìn giữ an ninh - trật tự cho Đông Timor từ ngày 31-10 là cột mốc quan trọng với quốc gia có hơn 1,1 triệu dân này. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo đảm an ninh cho đất nước, đặc biệt sau khi UNMIT triệt thoái hết lực lượng vào cuối năm nay là thách thức không nhỏ với Tổng thống Taur Matan Ruak. Phải thừa nhận rằng sau 10 năm độc lập, Đông Timor vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực cũng như thế giới khi nhiều người dân vẫn phải sống dựa vào sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và LHQ. Trong bối cảnh đó, Đông Timor vừa đề ra kế hoạch phát triển quốc gia đến 2015, trong đó xác định các ưu tiên hàng đầu là củng cố bộ máy hành chính, xóa đói giảm nghèo và tăng cường an ninh lương thực. Hướng ưu tiên trước mắt của Đông Timor là gia nhập ASEAN; đồng thời đưa tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm lên 5% trong thời kỳ trung hạn và giảm 50% số người sống dưới mức nghèo đói (hiện là 40% trong tổng số 1 triệu dân) vào năm 2015.