Ủng hộ giám sát việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

Chính trị - Ngày đăng : 15:30, 08/11/2012

(HNMO) – Ngày 8/11, thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013, đa số đại biểu đề xuất giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản và việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.

Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung sau đây để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2013:

Chuyên đề 1: Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 (Giao Ủy ban tài chính, ngân sách chủ trì giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012 (Giao Ủy ban về các vấn đề xã hội chủ trì giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012 (Giao Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát).

Theo giải trình của Ủy ban, đây đều là những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét; gắn với công tác xây dựng pháp luật và nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2013. Các nội dung giám sát này cũng không trùng các chuyên đề Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát trong thời gian gần đây, đồng thời đảm bảo cân đối giữa các lĩnh vực và phạm vi giám sát phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ quan được Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến giao chủ trì giám sát.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với những chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất. Đa số ý kiến phát biểu nghiêng về chọn 2 chuyên đề đầu để giám sát.

Nằm trong số các đại biểu lựa chọn 2 chuyên đề đầu, các đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên, Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội, Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc, Danh Út - Kiên Giang, Nguyễn Thị Thanh Hòa - Bắc Ninh kiến nghị thêm, trong nội dung giám sát về bảo hiểm, Quốc hội nên bổ sung giám sát cả về bảo hiểm xã hội, vì trong lĩnh vực này, bên cạnh những mặt được còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó có vấn đề là nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số lượng lớn, xâm phạm đến quyền lợi của hàng vạn người lao động.

Đồng thời, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 có cả hai dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế. Riêng Luật Bảo hiểm xã hội còn được dự kiến trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 6. Vì vậy, tiến hành giám sát lĩnh vực này sẽ phục vụ trực tiếp cho lần sửa đổi, bổ sung rất quan trọng này.

Theo các số liệu được báo cáo, Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ 1/1/2007, riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ 1/1/2008, bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2009, nhưng đến cuối năm 2011, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc còn thấp, khoảng 10,1 triệu ng ười, chiếm trên 70% tổng số đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có hợp đồng từ 3 tháng trở lên.

Tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội tuy đ ã được cải thiện hơn so với trước đây xong vẫn chiếm xấp xỉ 5% số phải thu bảo hiểm bắt buộc khoảng 3.166 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 42%, doanh nghiệp FDI chiếm 32,4%, doanh nghiệp nhà nước chiếm 19,4%, trong đó số nợ trên 6 tháng chiếm 50%.


Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà


Ngoài các chuyên đề được đề xuất, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát và tăng việc giám sát thực hiện lời hứa và kiến nghị của cử tri; tình hình thi hành pháp luật trong vấn đề xử lý nợ xấu và giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ đóng băng của bất động sản; về lĩnh vực quản lý giá, nhất là đối với giá xăng, dầu…

Ngoài đề xuất các chuyên đề giám sát, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát. Nhiều ý kiến đề nghị, các đoàn giám sát xuống địa phương cần tổ chức gọn, bớt đi các quan chức, các bộ, ngành đi theo mà tăng các chuyên gia độc lập, những người am tường để tham gia tư vấn cho đoàn giám sát, cho đại biểu Quốc hội. Đồng thời, cần làm tốt hơn việc điều hòa, phối hợp giữa các đoàn giám sát để hạn chế thấp nhất các đoàn giám sát, đoàn khảo sát và các bộ phận hội thảo đến cùng địa phương trong một thời gian.

“Tôi thiết nghĩ chương tr ình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 cần quan tâm chọn nội dung giám sát hẹp, chỉ một nội dung cho một cuộc giám sát và số lượng giám sát nên vừa phải, có như vậy mới đảm bảo nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội”, đại biểu Danh Út - Kiên Giang đề xuất.

Về vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai kiến nghị, cần phải tăng cường giám sát tại cơ sở và phải thu thập được ý kiến của nhân dân. Thành phần Đoàn Giám sát phải thực hiện đúng phương châm và đúng theo quy định pháp luật là: đủ, đúng, xuyên suốt.

“Vừa qua hoạt động giám sát của m ình chỉ chủ yếu qua báo cáo , làm việc xong rồi đi về, hoặc những nội dung , chất lượng của nội dung Báo cáo giám sát không sâu…một số thành viên tham gia Đoàn Giám sát chỉ được đi giám sát ở địa phương còn giám sát để nghe ý kiến của các bộ, ngành ở nơi này th ì không được thông báo tiếp tục để xuyên suốt một chuyên đề đó. Tôi thấy đây là một hạn chế không phát huy được thành phần của Đoàn Giám sát”, đại biểu Vở nói.

Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình nhận xét, các đoàn giám sát thường chỉ nghe đối tượng là cơ quan Nhà nước ở địa phương báo cáo, không có điều kiện để nghe các đối tượng khác, như vậy cũng phải “tính lại”.

“Ví dụ chúng ta giám sát về vấn đề giải quyết hành chính đất đai, chúng ta cũng chỉ nghe được các cơ quan địa phương báo cáo, còn ta chưa nghe được người dân đi khiếu kiện oan sai, người ta nói thế nào thì cách giám sát của ta tôi cho rằng chúng ta phải tính lại, nếu chúng ta đi được một số việc cụ thể thì chúng ta mới minh họa được, nhìn nhận mình phải đúng”, ông nói.

Đại biểu Lịch và đại biểu Lê Nam - Thanh Hoá cũng lưu ý thêm về cách tổ chức các đoàn đi giám sát của Quốc hội. Theo các đại biểu, đoàn không cần đông, cơ cấu vừa phải nhưng những người tham gia phải “từ đầu đến cuối, không cưỡi ngựa xem hoa”.

Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và Dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

V.An