"Tấm lá chắn" còn nhiều bất cập

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 08/11/2012

(HNM) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa quyết định bồi thường 4 tỷ đồng cho nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) bị thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra hồi đầu tháng 10 vừa qua. Đây là một động thái đáng chú ý của nền kinh tế đất nước, một tin vui cho bà con nông dân và cho cả xã hội.

Ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg "Về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013" tại một số tỉnh, thành phố. Đây là một chủ trương đúng đắn, một chính sách tốt, đã tạo ra "tấm lá chắn" cho nông dân tránh khỏi rủi ro, biến động trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, "tấm lá chắn" này chưa thực sự vững chắc. Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, chính sách BHNN đã bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và thu hút bà con nông dân tham gia hơn.

Cụ thể hiện nay, BHNN thí điểm còn nặng màu sắc chính sách xã hội, chưa phải là công cụ kinh tế hữu hiệu. Theo Quyết định 315/QĐ-TTg, đối tượng BHNN  là nông dân nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100%, nông dân cận nghèo được hỗ trợ 80%, hộ nông dân không thuộc hai diện trên được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm. Nhưng tới thời điểm này, tổng số hộ nông dân đã tham gia BHNN chỉ chiếm 3% tổng số hộ thuộc diện BHNN, trong đó có đến 88% là hộ nghèo; diện tích tham gia BHNN chỉ chiếm 2,8% tổng số diện tích. Điều đó cho thấy chính sách này chưa thực sự có sức hấp dẫn người nông dân. Vì sao có tình trạng đó?

Trước hết, công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHNN chưa được các cấp, các ngành chú trọng. Đại đa số nông dân không hiểu biết đầy đủ về chủ trương, chính sách này.

Thứ hai, một số cơ chế, chính sách do Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đưa ra trong lĩnh vực này chưa phù hợp với thực tế. Trong danh mục các loại dịch bệnh gây hại cho cây trồng, vật nuôi không có các loại bệnh thường gặp, gây thiệt hại lớn như sâu đục thân, bệnh bạc lá hại lúa và hoa màu, bệnh tụ huyết trùng, sán lá gan hại gia súc, gia cầm… Giả sử người nông dân có tham gia bảo hiểm, đóng phí bảo hiểm đầy đủ, khi "dính" phải những loại bệnh này, bị thiệt hại cũng không được bồi thường.

Thứ ba, nguyên tắc giải quyết bồi thường là phải chính xác, đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, nhưng do thủ tục hành chính của ta còn rườm rà, ít nhất cũng phải chờ công bố về thiên tai, dịch bệnh của cấp tỉnh và các cơ quan liên quan thì ngành bảo hiểm mới có thể tiến hành các bước hồ sơ thủ tục đền bù nên thường chậm, nông dân tham gia bảo hiểm "chờ được vạ thì má đã sưng".

Thứ tư, mấy năm gần đây, do kinh tế suy thoái, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm giảm khiến nông dân dù muốn cũng ít có điều kiện tham gia BHNN.

Thứ năm, chính sách BHNN hiện nay chỉ chủ yếu nhắm đến đối tượng người nghèo, chưa có sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho các hộ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp lớn quy mô trang trại, HTX nên tác dụng chưa cao.

Thứ sáu và cũng là hệ quả của những lý do trên, BHNN vẫn còn trông chờ chủ yếu vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nhân đạo cho hộ nông dân khó khăn, chưa hoàn toàn là hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông hỗ trợ số ít rủi ro như những loại hình bảo hiểm khác.

Sớm khắc phục những bất cập nêu trên, BHNN sẽ thực sự là "tấm lá chắn" cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh, để chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước về "tam nông" thực sự đi vào cuộc sống.

Năng Lực