Gỡ nút thắt chồng chéo, thiếu ổn định trong chính sách

Chính trị - Ngày đăng : 11:43, 07/11/2012

(HNMO) - Đại biểu Trần Văn Tấn - Tiền Giang cho rằng, phải khắc phục cả về chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực hiện thì mới giải quyết được các khiếu nại về đất đai ngày càng gia tăng như hiện nay.


Chỉ nên điều chỉnh khung giá đất khi thị trường biến động

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Theo báo cáo, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật tạo cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng các đạo luật này vẫn chưa đầy đủ, nhiều văn bản còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất.

Số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2003 - 2010 các cơ quan liên quan đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó, bình quân mỗi năm có 69,79% số đơn từ liên quan đến đất đai. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%... Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.

Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung ở 3 nội dung, gồm khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%; khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.

Qua tổng hợp cho thấy tỷ lệ các quyết định hành chính về đất đai có khiếu nại tố cáo chiếm 3%, nhưng tố cáo đúng, có đúng-có sai chiếm 47%. Trong số các khởi kiện ra tòa, tỷ lệ đúng hoặc đúng một phần chiếm gần 20%. Qua đó thấy khiếu nại của dân là có cơ sở.

Ủy ban đánh giá, tình trạng khiếu kiện của dân về đất đai nhiều chủ yếu là do chính sách về đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu đồng bộ, chồng chéo; giá bồi thường có sự chênh lệch lớn giữa giá do Nhà nước bồi thường và do các chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân; chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều tồn tại và việc quản lý chưa nghiêm dẫn tới nhiều đất bị bỏ hoang, lãng phí; việc ban hành các quyết định hành chính còn nhiều tồn tại, hạn chế; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức; sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người dân còn hạn chế và việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.

Để khắc phục những bất cập này, Ủy ban đề xuất: Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp của Luật đất đai phù hợp với quy định của các luật liên quan; Các ngành, địa phương chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong phạm vi quản lý của mình để kịp thời giải quyết ngay, hạn chế khiếu nại vượt cấp, không để xảy ra diễn biến phức tạp trở thành vụ việc khiếu kiện đông người; từ nay đến cuối năm 2012, tập trung giải quyết cơ bản 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài; Nâng cao chất lượng ban hành các quyết định hành chính nhà nước; Thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, có chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ tiếp dân; tăng cường cán bộ có năng lực, đạo đức làm công tác quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp huyện và cấp cơ sở; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo chí đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Tăng cường giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan đối với việc xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân…

Đặc biệt, Ủy ban kiến nghị phải sửa đổi, bổ sung Luật đất đai theo hướng cụ thể hóa tối đa các quy định hiện còn mang tính nguyên tắc, đặc biệt là những vấn đề đã áp dụng ổn định trong thực tiễn như: quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Nhà nước quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, đảm bảo sự hài hoà về lợi ích của Nhà nước với lợi ích người sử dụng đất và lợi ích của nhà đầu tư.

Việc sửa đổi, bổ sung việc quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khung giá đất, bảng giá đất theo hướng ổn định và chỉ điều chỉnh khi thị trường biến động (có thể tăng, giảm 15%-20%). Đồng thời, cần công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định rõ trình tự cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai.

Ủy ban cũng đề nghị, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính có tọa độ và đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai.


Khắc phục sự chồng chéo, thiếu ổn định của các chính sách, pháp luật về đất đai


Thảo luận về việc thực hiện các chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các đánh giá, đề xuất trong báo cáo của Quốc hội và giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân về đất đai. Các ý kiến đã tập trung phân tích sâu hơn những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai để giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đồng thời cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong công tác này.

Một trong những hạn chế được nhiều đại biểu đề cập trong việc ban hành, thực thi các chính sách, pháp luật về đất đai là sự thiếu đồng bộ, chồng chéo, hay thay đổi của các văn bản. Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh nhiều khiếu kiện.

Các đại biểu Trần Văn Tấn – Tiền Giang, Hồ Thị Thủy – Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Khá – Trà Vinh, Nguyễn Thị Kim Bé- Tiền Giang, Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng, Đinh Thị Phương Lan – Quảng Ngãi, Huỳnh Văn Tiếp – Cần Thơ… chung đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng bộ về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai; tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; thống nhất chính sách đền bù, hạn chế chênh lệch giá khi đền bù; đẩy mạnh công tác quy hoạch, lập kế hoạch và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng hiệu quả.

“Phải khắc phục cả về chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực hiện thì mới giải quyết được các khiếu nại về đất đai”, đại biểu Tấn lưu ý.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị, Quốc hội nên ban hành nghị quyết về việc giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai tại kỳ họp này để tăng hơn tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện.

Một giải pháp khác cũng được nhiều đại biểu lưu tâm là chú trọng các bất cập trong giá đền bù, cơ chế đền bù, tạo ra sự công bằng, công khai.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng đề nghị, chỉ nên quy định Chính phủ được ban hành khung giá đất, không nên để các địa phương ban hành bảng giá đất riêng, đồng thời bỏ quy định nhà đầu tư thỏa thuận với dân về giá đền bù vì quy định này gây hạn chế, mâu thuẫn, khó khăn cho công tác thu hồi do việc xác định giá thị trường là rất khó khăn.

Về định giá đất, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Quảng Ngãi cho rằng, việc định giá đất theo thị trường là xu thế đúng nhưng không dễ thực hiện vì hoạt động quản lý tài chính về đất đai của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa có cơ quan định giá độc lập...

“Tôi đề nghị phải từng bước hình thành thị trường giao dịch bất động sản gắn với quyền sử dụng đất; hạn chế sự quá chênh lệch giữa giá các loại đất có mục đích sử dụng khác nhau theo hướng nâng dần giá trị đất nông nghiệp; có lộ trình khả thi trong việc định giá đất theo thị trường”, đại biểu Lan nói.

Đại biểu Khúc Thị Duyền – Thái Bình cũng nhất trí, Nhà nước chỉ nên quy định một mức giá đền bù cho đất nông nghiệp khi thu hồi, không nên tạo sự so bì giữa các vùng, miền.

Để hạn chế các khiếu nại, tố cáo về đất đai, các ý kiến đều cho rằng, Chính phủ phải chú trọng hơn tới việc tiếp dân, tăng cường hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.

Dẫn chứng việc Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải vừa qua đã trực tiếp gặp gỡ dân để giải quyết khiếu nại về đất đai và được dân hoan nghênh, giúp dân giải tỏa được bức xúc mà họ theo đuổi suốt 20 năm chỉ trong 20 phút, đại biểu Lê Văn Học – Phú Yên cho rằng, chính việc một số đơn vị giải quyết khiếu nại qua loa, chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn thư nên đã làm phát sinh nhiều khiếu kiện. Theo ông, cần quy đinh cán bộ các cấp, các ngành có nhiệm vụ tiếp xúc, đối thoại với dân, xác định rõ trách nhiệm tổ chức từ khi tiếp nhận đơn thư cho tới khi ra quyết định.

Đại biểu Học cũng đề nghị phải làm rõ “một bộ phận” cán bộ làm công tác quản lý đất đai có năng lực yếu, sa sút đạo đức, tiêu cực, vụ lợi khi thực thi nhiệm vụ; kết luận rõ tình trạng này chỉ có ở cấp cơ sở hay ở nhiều cấp, nhiều ngành? Số cán bộ làm sai, làm trái đã được xử lý nghiêm minh chưa? Kết quả xử lý thế nào….

Chung nhận xét, đại biểu Hồ Thị Thủy – Vĩnh Phúc cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây nhiều khiếu kiện là do cán bộ làm công tác quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo có nơi còn bàng quan, vô cảm khi tiếp xúc với dân; một số địa phương cố tình bao che cho những việc làm sai vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm… Vì vậy, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra vi phạm trong xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.

Theo các đại biểu Nguyễn Thu Anh – Lâm Đồng, Trần Thị Hoa Sinh – Lạng Sơn, cơ chế chuyển giải quyết khiếu nại về địa phương có ưu thế là tăng cường trách nhiệm, chủ động trong giải quyết ở cơ sở nhưng lại làm nảy sinh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất và khiến người dân khiếu nại vượt cấp nhiều do mong muốn được cấp ở Trung ương ra quyết định. Vì vậy, phải có cơ chế xử lý người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; làm rõ trách nhiệm làm chưa tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc về ai, cơ quan nào và có biện pháp xử lý cụ thể, rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá – Trà Vinh đề nghị thêm, nên lấy tiêu chí giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là một cơ sở để đánh giá năng lực cán bộ khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

H.Vân