Huyện Chương Mỹ: Gian nan xóa lò gạch thủ công

Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 07/11/2012

(HNM) - Mặc dù đã hai lần


Bài 1: Chính quyền “hạ quyết tâm”, chủ lò “cố thủ”


Lò gạch thủ công ở xã Đại Yên vẫn nhả khói

Dọc tuyến đê hữu sông Bùi qua các xã Trung Hòa, Nam Phương Tiến, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, hàng chục lò gạch, ngói thủ công vẫn hoạt động. Hàng "núi" đất chất cao dọc bờ sông; hàng nghìn kiêu gạch mộc đợi ngày vào lò. Chiều 30-10, tại xã Nam Phương Tiến ở khu vực bến đò thôn Nhân Lý qua sông Bùi, nhiều máy xúc được chủ lò đưa xuống triền sông múc đất sản xuất gạch; trên bờ, công nhân đóng và phơi gạch hối hả làm việc, máy làm gạch nổ giòn, cả đoạn đê như một công trường lớn.

Tìm hiểu thực trạng sản xuất gạch ở đây, chúng tôi được biết: Tháng 12-2011, thực hiện kế hoạch tháo dỡ lò gạch thủ công của UBND huyện Chương Mỹ, xã Nam Phương Tiến đã tháo dỡ 22/27 vỏ lò. Tại thời điểm cưỡng chế, đa số các chủ lò đều đồng tình về chủ trương xóa lò gạch thủ công, chỉ một số hộ đang đốt dở, lượng gạch mộc, than, củi còn quá nhiều đã làm đơn xin tận thu sản phẩm và chấm dứt đun đốt, tự phá dỡ lò khi hết nguyên liệu. Song, trên thực tế, nhiều hộ không thực hiện đúng cam kết, cố tình sản xuất và đốt gạch gây ô nhiễm môi trường.


Một lò gạch ở xã Hoàng Văn Thụ nằm giữa sông Bùi vẫn chưa bị phá dỡ.

"Tiếp sức" cho giải tỏa lần 1, cuối tháng 9-2012, xã Nam Phương Tiến tổ chức tháo dỡ toàn bộ vỏ lò trên địa bàn theo kế hoạch tháo dỡ lần 2 của UBND huyện. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày, các hộ dân nơi đây lại cố tình vi phạm, tiếp tục sản xuất. Kết quả, sau hai lần cưỡng chế, đến nay trên địa bàn xã còn 16 hộ tái sản xuất gạch thủ công. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 2,5-3 vạn viên gạch mộc. Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Huy Phong cho biết: Nắm bắt thông tin các chủ lò tái sản xuất gạch, xã đã cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra, thống kê, đồng thời tiếp tục gửi thông báo về việc chấm dứt sản xuất, đun đốt gạch thủ công đến từng hộ. Tuy nhiên, do chủ lò cố tình tái phạm, bất chấp việc tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể… nên xã phải báo cáo UBND huyện, Ban chỉ đạo tháo dỡ lò gạch thủ công huyện Chương Mỹ để xin ý kiến chỉ đạo xử lý tiếp vì xã không có chế tài?

Bên cạnh "điển hình" Nam Phương Tiến, "công trường" sản xuất gạch ở xã Đông Phương Yên cũng không kém phần sôi động. Chiều 31-10, khi chúng tôi đến "đặc khu" sản xuất, đun đốt gạch thủ công ở khu vực đồng Xa, nhiều xe công nông, xe tải vẫn tấp nập ra vào chở gạch, biến con đường độc đạo dẫn ra cánh đồng này bị cày xới, ngổn ngang đất đá. Một người dân trong xã cho biết, các lò gạch ở khu đồng Xa hoạt động quanh năm, nhiều mùa vụ các chủ lò vẫn phải đền cho người dân, vì khói lò làm táp lúa, mất mùa. Nhưng, so với lợi nhuận thu về từ sản xuất gạch thì số tiền ấy chẳng bõ bèn gì, nên chủ lò ở đây cố tình không chịu phá dỡ.

Lật lại hồ sơ được biết, căn cứ quyết định của UBND huyện Chương Mỹ về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đất một lúa, đất gò chưa sử dụng sang sản xuất lúa, cá và chăn nuôi gia cầm, năm 2003, HTX Nông nghiệp Đông Phương Yên ký hợp đồng giao thầu gần 187.200m2 đất khu đồng Xa cho 7 hộ, thời hạn 10 năm. Trên văn bản là vậy, nhưng HTX Nông nghiệp Đông Phương Yên đã tự ý giao thêm cho các hộ "được tận dụng đất đào ao để sản xuất vật liệu xây dựng". Vì thế họ đã đua nhau xây lò, sản xuất và đun đốt gạch, chỉ có 2-3 hộ thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ. Sau gần 2 năm kể từ khi hết thời hạn xóa lò gạch, ngói thủ công theo chỉ đạo UBND TP Hà Nội, đến nay xã Đông Phương Yên mới giải tỏa được 2 lò, 32 lò còn lại chưa được giải tỏa.

Ông Nguyễn Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên lý giải: Đến năm 2013 các hợp đồng giao thầu đất mới hết hạn, trong khi đó tiền đã thu một lần, nay hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn, thì không có kinh phí đền bù. Xã đã báo cáo, nhưng huyện cũng chỉ đốc thúc xã dỡ bỏ lò, mà chưa đưa ra được hướng giải quyết hiệu quả nào hơn?

Trong tất cả các chỉ thị, kế hoạch giải tỏa của Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ đều khẳng định sự cần thiết phải giải tỏa các lò sản xuất gạch thủ công, nhưng trên thực tế đều không phát huy được hiệu quả, các lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp dư luận, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Tồn tại này do đâu?

Bài, ảnh: Thúy Hằng