Tán thành giữ khung giá đất ổn định trong 5 năm
Kinh tế - Ngày đăng : 17:27, 06/11/2012
Tại tổ Hà Nội, đánh giá chung về dự án Luật, đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng, dự luật chưa thể hiện được tinh thần đổi mới về vấn đề tài chính đất, trong đó có các quy định, nguyên tắc liên quan đến giá đất và việc quản lý đất đai, nên chưa đủ công cụ cần thiết để khắc phục những khiếm khuyết hiện nay.
“Qua tổng kết, chúng ta thấy rằng vẫn còn sự buông lỏng trong quản lý đất đai. Hiện quản lý đất đai thuộc nhiều cấp, xuống tận huyện, xã. Theo tôi, chúng ta nên siết chặt lại, nên là 2 cấp: Trung ương và cấp tỉnh”, đại biểu Thảo đề nghị.
Đồng tình với tính cấp thiết phải sửa đổi Luật đất đai năm 2003 nhưng theo đại biểu Bùi Thị An, mặc dù “lĩnh vực đất đai giờ đang sôi sùng sục, liên quan đến mọi người, đến toàn dân nhưng trong tờ trình của Chính phủ chưa thể hiện được hết sự cấp thiết này, tổng kết việc thực hiện Luật đất đai năm 2003 cũng chưa rõ những điểm được, chưa được”.
Theo đại biểu An, Luật phải đảm bảo 2 mục tiêu: kế thừa những điểm tốt của Luật hiện hành đồng thời khắc phục được những bất cập của Luật hiện hành. Đó là: phải triệt tiêu nhóm lợi ích chi phối từ việc quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất đến chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi đất… và thể hiện đầy đủ tính công khai, minh bạch trong thực hiện Luật.
Chung quan điểm, đại biểu Châu Thị Thu Nga góp ý, các quy định trong dự luật cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện các nội dung về việc quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, bởi đây là khâu cốt lõi trong quản lý đất đai, đồng thời phối hợp quy hoạch đất đai với quy hoạch xây dựng và phát triển tổng thể.
“Trong những năm qua, khâu quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất của chúng ta có chất lượng, hiệu lực chưa cao, tính khả thi cấp, dự báo quy hoạch không sát thực tế nên phải điều chỉnh nhiều lần gây tốn kém, mà nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về vai trò của việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ; việc giao đất, sử dụng đất còn dựa vào nhiều quy hoạch khác nhau…”, đại biểu Nga nói.
Đại biểu Nga cũng nhận xét, việc giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn hạn chế về thời hạn giao; giao đất, cho thuê đất tràn lan; tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích được giao và sử dụng chậm khá phổ biến; việc định giá đất để cho thuê, chuyển đổi… thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường… Theo đại biểu Nga, Nhà nước phải đảm bảo bình đẳng trong sử dụng đất thông qua thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng được thuê đất, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính về thủ tục đất đai.
Góp ý để khắc phục các hạn chế trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị, nên chăng khi có nhu cầu sử dụng đến đâu, Nhà nước thu hồi đến đó, tránh tình trạng đất bị bỏ hoang, chậm khai thác, hoặc nếu cần phải thu hồi trước để phục vụ dự án thì nên có giải pháp sử dụng đất tạm thời trong thời gian chưa triển khai dự án.
Từ thực tế Hà Nội là một trong những địa phương đang áp dụng khung giá đất cao nhất cả nước, có nơi giá đất lên đến 80 triệu đồng/m2, nhưng giao dịch thực tế vẫn lớn hơn mức giá này gấp hàng chục lần, đại biểu Trịnh Thế Khiết cho rằng, sở dĩ khi đền bù đất, người dân thường không đồng tình với mức giá đất quy định của Nhà nước bởi khung giá này thường thấp hơn nhiều so với thực tế. Vì vậy, việc định giá đất để đền bù gặp nhiều khó khăn, dự án không triển khai được.
Theo đại biểu Khiết, Chính phủ không nên quy định khung giá đất mà nên giao cấp tỉnh quy định giá đất.
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, dù có thực hiện cách thức nào thì cũng phải đảm bảo sự bình đẳng, đồng đều trong giá đền bù đất. Hiện có thực trạng cùng một thửa đất, nhưng nằm trong hai dự án khác nhau, một bên được áp giá thỏa thuận, một bên không được, tạo ra sự chênh nhau nhiều lần về giá đền bù, khiến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn.
Theo ông, có lẽ nên quy định thống nhất về cho Nhà nước và không phân biệt dự án đó sử dụng đất vào mục đích gì, nếu cùng một loại đất như nhau, người bị thu hồi chỉ được hưởng một mức đền bù chung. Trường hợp đất đó dùng vào mục đích kinh doanh thì chủ đầu tư có trách nhiệm nộp vào ngân sách Nhà nước phần chênh lệch giá trị đất sau chuyển đổi và Nhà nước sẽ điều tiết phần này, có thể phân bổ lại một phần cho người dân khu vực bị thu hồi.
Đáng chú ý, các đại biểu cũng nhất trí cao với việc Nhà nước ban hành khung giá đất ổn định trong 5 năm, không thực hiện việc điều chỉnh từng năm như hiện nay và hạn chế tối đa việc giao đất mà không thu tiền sử dụng đất.
“Việc ban hành khung giá đất ổn định trong 5 năm sẽ góp phần hạn chế được tâm lý trông chờ của một số người dân bị thu hồi đất rằng giá đất năm sau có thể sẽ cao hơn năm nay, nên chây ì trong việc giao đất, nhận đền bù”, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhận xét.
Đại biểu Bùi Thị An lưu ý thêm, Chính phủ nên có quy định thật cụ thể với từng loại đất chuyển đổi mục đích sử dụng như xây hạ tầng, sân golf, nhà ở dịch vụ...
Về cấp hạn điền, nhiều ý kiến của đoàn Hà Nội đề nghị không nên quy định cứng nhắc trong dự luật mà nên dựa vào từng vùng, từng địa phương để có quy định cho phù hợp.
“Nếu quy định hạn điền là 2ha ở đồng bằng sông Hồng và 3ha ở đồng bằng sông Cửu Long thì sẽ hạn chế tốc độ công nghiệp hóa đất nông nghiệp, kiềm hãm sự phát triển trong khi chúng ta đang phát động cánh đồng mẫu lớn. Tôi cho rằng nên điều chỉnh”, đại biểu Khiết nói.
Liên quan đến các nội dung về quyền sở hữu đất, một số đại biểu đề xuất, ngoài sở hữu Nhà nước, nên có thêm hình thức sở hữu khác, như sở hữu tư nhân, như vậy sẽ góp phần cởi trói những bất cập trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng và quản lý đất đai hiện nay.
Cũng trong ngày hôm nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.