Khung pháp lý còn bỏ ngỏ

Đời sống - Ngày đăng : 07:51, 06/11/2012

(HNM) - Sự bùng nổ của các trang thông tin mạng, bao gồm cả những báo điện tử được hình thành dưới dạng ấn phẩm phụ của một số cơ quan báo chí với tiêu chí giật gân, câu khách, đã làm gia tăng hiện tượng xâm phạm bí mật đời tư công dân.

Đầu năm 2008, một trang báo điện tử đưa tin, biên tập viên của một đài truyền hình Đ.L liên quan đến một clip có nội dung đồi trụy. Theo cô, trước khi đăng tin, phóng viên đã gọi điện hỏi để xác nhận. Mặc dù cô phủ nhận thông tin này, nhưng tin tức nói trên vẫn được đăng tải, đưa không đúng bản chất của sự việc, gây hiểu nhầm cho người đọc.

Xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cũng là tạo điều kiện để nhà báo tác nghiệp thuận lợi. Ảnh: Bảo Lâm


Sau 3 tháng theo kiện, hai bên đã đi đến hòa giải trước sự công nhận của TAND quận Hoàn Kiếm. Cơ quan báo đưa tin sai sự thật đã phải đăng lời cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại 25 triệu đồng cho nạn nhân. Tuy thắng kiện, nhưng Đ.L cho biết, đã mất trọn 3 tháng không làm bất cứ việc gì ngoài việc tập trung theo kiện. Đây cũng là khoảng thời gian cô chịu áp lực nặng nề về tinh thần. Hiện nay, dù đã qua 4 năm, cô vẫn bị ám ảnh về vụ việc, Đ.L chia sẻ: "Tôi đã trải qua cảm giác tủi hổ, có những lúc như bị dìm xuống đáy. Một cuộc tra tấn tinh thần thực sự khi đọc hàng nghìn những lời bình luận, đàm tiếu, phán xét độc ác… Nếu là người yếu đuối, không ai dám chắc điều xấu nào có thể xảy ra".

Đ.L chỉ là một trong nhiều nạn nhân nổi tiếng bị xâm phạm bí mật đời tư trái pháp luật. Mới đây nhất là trường hợp người mẫu T.T bị bạn cũ tung ảnh riêng tư lên mạng, nhiều trang mạng đã ùa theo và đưa tin, đăng lại ảnh. Họ đã gián tiếp tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên. Không chỉ người nổi tiếng, nhiều người bình thường cũng bị xâm hại bí mật đời tư cả vô tình lẫn cố ý. Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam) đã dẫn ra 4 ví dụ ngay trong tháng 10 vừa qua. Trong đó có việc, một tờ báo điện tử đăng bài viết "Lương bạn trai chưa được 20 triệu, cưới xin cái gì". Đi kèm bài báo là tấm ảnh một cô gái bị xóa mờ khuôn mặt với dòng chú thích: "Từ nhỏ mình sợ nhất là thiếu thốn, không có tiền đi ra đường chẳng dám nhìn ai, làm gì cũng phải cúi đầu, nhẹ nhàng". Khi bài báo được lan truyền, nhiều bạn bè của cô gái trong tấm ảnh đã phát hiện ra cô Hiền trong bài viết hóa ra là cô Hằng ở TP Hồ Chí Minh. Dù sau đó tòa soạn báo gỡ ảnh và xin lỗi cô gái tên Hằng, nhưng những tác động tiêu cực từ sự xâm hại đã trở thành vết thương.

Nhà báo Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện Hà Nội của Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh nhận định, từ ngày nở rộ các trang báo mạng, tình trạng xâm phạm đời tư công dân ngày càng phổ biến. Đáng ngại nhất là hiện nay, trong đội ngũ người làm báo có suy nghĩ khai thác đời tư mới là làm báo có chất lượng. Trong cuộc chạy đua thông tin, một số người làm báo bỏ qua nguyên tắc kiểm chứng, không ít người tự cho mình quyền phán xét, thậm chí "ném đá" người khác. Nhà báo Đà Trang cho rằng, ranh giới giữa thông tin xâm hại đời tư công dân và thông tin phục vụ công chúng rất mong manh. Để lựa chọn, người làm báo cần phải biết đặt mình vào nhân vật. Còn kinh nghiệm của Báo Tuổi trẻ là xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho phóng viên, biên tập viên của mình.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy, người đã giúp Đ.L theo kiện cho biết, cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp xâm hại đời tư công dân còn rất thiếu. Đây là rào cản khiến người theo kiện rất vất vả mà các tòa án cũng khó giải quyết. Để khắc phục, Quốc hội cần sớm ban hành thêm luật về bí mật đời tư công dân và tích hợp nhiệm vụ xét xử các vụ kiện về bí mật đời tư công dân vào Luật Tố tụng dân sự. Trong khi đó, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, ngay cả xử phạt hành chính các vụ việc xâm hại bí mật đời tư công dân cũng khó khăn, vì quy định liên quan đến đời tư công dân dù đã có, nhưng còn chung chung, nhất là chưa có định nghĩa thế nào là bí mật đời tư công dân, phạm vi của nó ra sao.

Ngoài lý do thiếu hành lang pháp lý, các nạn nhân bị xâm hại thường rất ngại đưa ra pháp luật còn vì sợ "đụng chạm" đến báo chí. Bản thân các văn phòng luật sư cũng tương tự. Biên tập viên Đ.L cho biết, trước khi mời được một nữ luật sư đồng cảm với hoàn cảnh của mình giúp đỡ theo kiện, cô đã bị 2 văn phòng luật sư nổi tiếng từ chối vì lý do này. Điều này cho thấy, nếu người làm báo không tự ý thức được hành động của mình sẽ dẫn đến hành vi lạm quyền mà chà đạp lên quyền riêng tư của người khác. Có nhiều ý kiến cho rằng, công dân bị xâm hại bí mật đời tư nên lựa chọn biện pháp giải quyết tại tòa án, bởi chỉ có biện pháp này mới có thể cải thiện nhận thức của xã hội và hạn chế được tình trạng xâm hại bí mật đời tư công dân đang ngày càng gia tăng trên các trang báo mạng hiện nay.

Hiền Lương