Cần rõ lộ trình và có tính đột phá

Xe++ - Ngày đăng : 07:22, 06/11/2012

(HNM) - Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa hoàn thành dự thảo Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ứng dụng CNTT trong giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Ảnh: Linh Tâm


Những năm gần đây, TP Hà Nội chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT. Nhiều cơ quan chuyên môn về CNTT được thành lập và Ban chỉ đạo CNTT từng bước được kiện toàn đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước TP Hà Nội. Hiện 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng LAN. 21/22 sở, ban, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã đã cài đặt phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng. 100% các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã được triển khai chữ ký số để gửi và nhận văn bản giữa UBND TP và giữa các cơ quan nhà nước của TP. CNTT cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ công dân và doanh nghiệp. 3/20 sở, ngành và 21/29 UBND quận, huyện, thị xã đã triển khai ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với các thiết bị phục vụ công dân tra cứu như: ki ốt tra cứu, màn hình cảm ứng, thiết bị đọc mã vạch. 20/20 sở, ngành và 100% UBND quận, huyện, thị xã đã kết nối mạng LAN internet, trang bị máy tính phục vụ cán bộ tiếp nhận hồ sơ. 15/20 sở, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử"; 11 quận, huyện đã triển khai phần mềm "một cửa" xuống các xã, phường trực thuộc. Tuy nhiên, Giám đốc Sở TT-TT Tô Văn Động khẳng định, hiện trạng phát triển CNTT của Hà Nội được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Trước hết là hệ thống chưa đồng bộ, mức vi phạm bản quyền cao (khoảng 90%), độ bảo vệ an toàn thấp (70% đơn vị có cơ chế bảo vệ đơn giản). Phạm vi ứng dụng mặc dù rộng nhưng mức độ ứng dụng chưa cao, cấp độ ứng dụng CNTT thấp, hệ thống ứng dụng còn rời rạc.

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển CNTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu tổng quát là đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu về ứng dụng và phát triển CNTT trong cả nước, với 3 hướng chính: Đứng đầu trong xây dựng chính quyền điện tử; đứng đầu trong ứng dụng phát triển CNTT phục vụ hoàn thành CNH, HĐH; đứng đầu trong phát triển ngành công nghiệp CNTT. Theo lộ trình, TP phấn đấu hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống chính quyền điện tử TP vào năm 2015 nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan công quyền Hà Nội cũng như tạo sự đổi mới, chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và phương thức, lề lối làm việc của CBCC, giao dịch công dân và các tổ chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông; cung cấp 50% dịch vụ công đạt mức độ 3 và 4. Đến năm 2030 hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử ở Hà Nội. Các đơn vị cung cấp các dịch vụ công qua mạng.

Về cơ bản, các nội dung trong dự thảo quy hoạch đều được các thành viên hội đồng thẩm định nhất trí. Tuy nhiên đa số các ý kiến cho rằng thời gian quy hoạch đến năm 2030 là thời gian dài, vì thế, từng giai đoạn nên có mục tiêu cụ thể. Đồng thời, cần nhìn nhận việc từ nay đến năm 2030, Hà Nội đi đầu về CNTT là nhiệm vụ khó khăn, phải rất nỗ lực mới có thể đạt được. Thực tế cho thấy, trong các nội dung mà TP đã ứng dụng về CNTT cũng chưa khai thác hết tính năng. Chẳng hạn như trong việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, hầu hết các đơn vị chỉ sử dụng ở mức quản lý văn bản đi/đến và ghi ý kiến của thủ trưởng đơn vị. Hồ sơ giấy vẫn được gửi song song tới cá nhân xử lý cuối cùng. Các chức năng dự thảo văn bản của phần mềm đều không được sử dụng. Các xã, phường được triển khai phần mềm chuyển/nhận văn bản mới chỉ sử dụng để nhận văn bản từ quận, huyện gửi xuống. Tương tự, các phần mềm "một cửa" đã có tính năng liên thông tới các phòng chuyên môn, nhưng hầu như các đơn vị chỉ sử dụng ở mức quản lý hồ sơ đầu vào và báo cáo kết quả xử lý. Ngay trong vấn đề nguồn nhân lực CNTT - một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện quy hoạch cũng đang đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Theo kế hoạch, đến năm 2015 Thủ đô cần 51.000 nhân lực chuyên ngành CNTT về phần cứng, 40.000 nhân lực về công nghệ phầm mềm và 24.000 nhân lực chuyên ngành nội dung số và đến năm 2020, cần khoảng 700.000 nhân lực CNTT cho các lĩnh vực trong xã hội. Song, hiện tại, TP chỉ có 83.000 lao động trong lĩnh vực CNTT, đáp ứng 60% nhu cầu về số lượng nhưng chất lượng chỉ đạt 10%. Hiện nay, TP vẫn rất thiếu cán bộ chuyên trách CNTT giỏi về kỹ thuật đồng thời có kiến thức về quản lý nhà nước.

Hiện trạng về CNTT của TP hiện giờ so với các mục tiêu quy hoạch là một khoảng cách dài, đòi hỏi sự đột phá. Vì thế, mỗi đơn vị cần nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, chủ động vào cuộc, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển CNTT một cách hiệu quả.

Hiền Chi