Mang cao nguyên đá về Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 07:12, 06/11/2012
Một bức tranh trong triển lãm “Cao nguyên đá” của họa sĩ Đỗ Đức.
Họa sĩ Đỗ Đức từng làm ở NXB Dân tộc, không khó hiểu khi ông theo đuổi và đắm đuối với những vùng núi cao, những con người cần mẫn neo mình trên những mỏm đá để sinh tồn. Trước đây ông thường vẽ tranh khắc và bằng giấy dó. Bộ tranh này được thực hiện từ năm 2006 đến nay. Nhắc đến "cao nguyên đá" nhiều người nghĩ ngay về cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang. Nhưng họa sĩ lại bảo, "tôi vẽ cả vùng biên ải phía Bắc, chạy dài từ tây sang đông mà Hà Giang là tâm điểm", thế nên xem tranh ta không bị "vấp" ở những không gian lặp lại. Các bức đều có bố cục đơn giản, phần lớn sử dụng màu bàng bạc, xám trắng của đá mà không bị tẻ nhạt. Đơn giản là vì tác giả đã đặt được cảm xúc vào từng phiến đá, con người. Trông chúng đầy tâm trạng và giàu biểu cảm. Trong triển lãm, người xem dễ nhận định được những mảng đề tài về cao nguyên đá mà Đỗ Đức đề cập. Phần tranh không gian sống của đá treo ở bên trái với "Thế của đá", "Đá nghìn năm", "Núi Đồng Văn"… cho thấy sự góc cạnh, hiên ngang và trường tồn của những núi đá hùng vĩ vùng biên ải phía Bắc. Sống động với nhiều chấm phá "đắt" là phần sáng tác về cuộc sống sinh hoạt của bà con trên cao nguyên đá. Họa sĩ có khả năng hòa quyện cảnh và người rất tài tình, vì thế thể hiện được sự đặc biệt của cuộc sống khắc nghiệt mà hài hòa ở vùng biên ải phía Bắc. Những "Xe lanh", "Trồng cây gì, nuôi con gì?", "Sống chen với đá"… là lời khẳng định sự song hành tồn tại của đá và người bao năm qua. Cảnh sinh hoạt thú vị qua "Múa khèn", "Nhớ Khau Vai"… khiến người xem thêm yêu, quý những con người bản thân họ chứa đậm bản sắc.
Người đàn ông ngoài 70 vẫn phong độ cả nét vẽ lẫn câu chữ. Thường người ta chỉ được một thứ, có một thứ để giải tỏa mình, thể hiện mình. May mắn là Đỗ Đức có được cả hai, vẽ cũng ổn và viết cũng tốt. Đến triển lãm, người xem không chỉ ngắm tranh mà còn hiểu rành rọt về ý tưởng và câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm. Ông viết: "Trong tranh tôi, đá như mơ, đá xôn xao khi nắng lên, đá hiên ngang, đá chịu đựng, nhẫn nhịn, con người sống dựa vào đá nên người là đá mà đá cũng hóa người". Hay như ở bức "Đá nghìn năm", ông viết: "Với tôi, giá trị cổ sinh của cao nguyên đá khi nó thành công viên địa chất toàn cầu không lớn hơn các giá trị văn hóa mà người dân rẻo cao ở đây đã xác lập. Họ giống như tách ở đá ra, sống hòa mình với đá và tồn tại mãi với thời gian. Điều đó lớn lao vô cùng, vì nó trường tồn mãi trong lòng dân tộc. Giá trị quốc tế kia chỉ như phần xác lập trên cái giá trị vốn có của mảnh đất cao nguyên này".
Hiếm có họa sĩ nào nhiệt tình và tâm huyết như Đỗ Đức. Trong thời gian treo tranh đến hết ngày 15-11, cứ 9h sáng hằng ngày ông lại có mặt ở 16 Ngô Quyền, sẵn sàng trò chuyện, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, người yêu thích tranh về cao nguyên đá. Thực ra, bộ tranh này ông chủ định sáng tác để đem lên trưng bày ở vùng cao cho bà con chiêm ngưỡng mà mãi chưa thể thực hiện. Người họa sĩ ấy vẫn không nguôi nuôi ý định dành một món quà tinh thần cho những người đã gợi cảm hứng sáng tác cho ông.