Đưa thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử

Chính trị - Ngày đăng : 11:36, 05/12/2022

(HNMO) - Sáng 5-12, ngay sau khai mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã truyền đạt chuyên đề 1 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đồng chí nêu rõ, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Nghị quyết là đưa thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Từ trước đến nay, Trung ương đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nhà nước. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”.

Đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” lần này có nội dung bao trùm, toàn diện, tổng quát hơn cả về lý luận, nhận thức và thực tiễn về xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo nguyên tắc pháp quyền.

Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Đáng chú ý, Nghị quyết xác định 3 trọng tâm gồm:

Thứ nhất là “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.

Thứ hai là “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Thứ ba là “Ðẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Nghị quyết nêu 10 nhiệm vụ, giải pháp, gồm 42 nội dung cụ thể, trong đó có nhiều điểm mới, nhiều nội dung quan trọng cần lưu ý.

Đó là nhiệm vụ tăng cường tổng kết thực hiện, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Ðề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số.

Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân.

Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Nghị quyết được ban hành thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, một lần nữa khẳng định lập trường kiên định, nhất quán, đúng đắn của Đảng ta về sự cần thiết, vai trò quan trọng và định hướng hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Trưởng ban Nội chính Trung ương nêu rõ: “Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, có phân công cụ thể. Để Nghị quyết này của Trung ương được thực hiện hiệu quả, đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt để đạt được các mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra”.

Hiền Lương