Đội tuyển Việt Nam: Nỗi lo phía sau niềm vui

Thể thao - Ngày đăng : 15:35, 05/11/2012

Chiến thắng 1-0 của ĐT Việt Nam trước ĐT Malaysia trong trận giao hữu lượt về tại SVĐ QG Mỹ Đình vào ngày 3/11/2012 vừa qua thực sự là một kết quả vô cùng ý nghĩa với thầy trò HLV Phan Thanh Hùng.


Cũng nhờ chiến thắng này mà đám mây u ám bao quanh ĐT Việt Nam sau 2 trận đầu không thành công ở VFF Cup 2012 diễn ra cuối tháng trước đã được xua tan khá nhiều, và bây giờ ĐT Việt Nam có thể yên tâm bước vào giai đoạn chuẩn bị nước rút cho AFF Cup 2012.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là mọi thứ với ĐT Việt Nam đã ở trạng thái hoàn hảo và thầy trò HLV Phan Thanh Hùng xứng đáng được trao gửi niềm tin tuyệt đối cho chiến dịch săn vàng ở AFF Cup 2012.

ĐT Việt Nam vẫn đang thiếu một mẫu tiền đạo vừa có khả năng chớp thời cơ ghi bàn, vừa có thể lực sung mãn như Safee Sali (10).

Điểm dễ nhận thấy ở trận thắng vừa rồi trước ĐT Malaysia là khả năng tận dụng cơ hội của hàng tấn công ĐT Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề, khi các tuyển thủ chủ nhà đã tạo được khoảng 3, 4 tình huống ăn bàn rõ rệt nhưng lại chỉ thành công một lần duy nhất. Việc HLV Phan Thanh Hùng cho ĐT Việt Nam thi đấu với chiến thuật 4-6-0 mà không có tiền đạo thực thụ có lẽ chỉ nên xem là một giải pháp tình thế chứ khó có thể coi là một phát kiến chiến lược của HLV họ Phan.

Có một sự thực rõ như ban ngày rằng các tiền vệ dù xuất sắc đến cỡ nào thì cũng chỉ là tiền vệ, và không phải lúc nào họ cũng hoàn thành nhiệm vụ ghi bàn thay cho các tiền đạo. Điều đó được thể hiện rất rõ ở trận thắng ĐT Malaysia của ĐT Việt Nam, khi riêng một mình Quốc Anh đã bỏ lỡ hàng loạt cơ hội ghi bàn thuận lợi, dù tiền vệ này vẫn được xem là một trong những cầu thủ bản lĩnh và khéo léo nhất của ĐT Việt Nam.

Những ai hâm mộ giải Ngoại hạng Anh hẳn đều biết tiền đạo Javier Hernandez, hay có thể gọi là Chicharito, của CLB M.U. Đấy là một cầu thủ không to cao, không khéo léo và cũng không sở hữu tốc độ kinh người, nhưng thực tế là Chicharito vẫn khẳng định được tài năng và chỗ đứng của mình ở M.U nhờ thứ vũ khí đặc biệt là nhạy cảm tuyệt vời của một cây săn bàn thực thụ.

Cái hay của Chicharito là anh luôn biết chọn vị trí rất tốt trước khung thành đối phương để chớp thời cơ, nên dù kỹ năng chuyên môn của Chicharito có thể chưa bằng một số tiền đạo ngôi sao của giải Ngoại hạng Anh như Robin van Persie hay Sergio Aguero nhưng chân sút người Mexico này vẫn đều đều lập công cho M.U mỗi khi được tung vào sân thi đấu.

Dông dài như thế để thấy rằng việc tìm ra một chân sút thượng hạng cho ĐT Việt Nam không đơn giản chỉ là đẩy một tiền vệ có kỹ thuật và tốc độ lên đá ở vị trí cao nhất rồi bàn thắng sẽ lập tức tìm về. Tiền đạo là một vị trí đòi hỏi những kỹ năng thi đấu hết sức đặc thù, và người tiền nhiệm của HLV Phan Thanh Hùng là HLV Henrique Calisto cũng đã từng áp dụng chiến thuật không tiền đạo cho các ĐTQG Việt Nam, nhưng kết quả mà chúng ta nhận được ở SEA Games 2009 và AFF Cup 2010 như thế nào thì tất cả đều rõ.

Nếu để ý kỹ sẽ thấy ở kỳ giải AFF Cup 2008 lịch sử của ĐT Việt Nam thì vai trò của những tiền đạo thực thụ như Công Vinh, Việt Thắng hay Quang Hải là vô cùng quan trọng, và 4 bàn thắng của ĐT Việt Nam trong trận bán kết lượt về và 2 lượt trận chung kết đều được thực hiện do công của 3 tiền đạo nói trên (Việt Thắng tuy không ghi bàn nhưng là người thực hiện đường chuyền quyết định để Công Vinh nâng tỷ số lên 2-0 cho ĐT Việt Nam ở hiệp một trận chung kết lượt đi tại Bangkok, trước khi ĐT Thái Lan gỡ lại 1-2 trong hiệp 2).

Chiến thuật không tiền đạo mà ĐT Việt Nam sử dụng hiện nay khiến nhiều người liên tưởng tới lối chơi tiki-taqua đã trở thành thương hiệu toàn cầu của CLB Barcelona nói riêng và ĐT Tây Ban Nha nói chung, nhưng một phép tính so sánh giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Tây Ban Nha quả thật vô cùng khập khiễng và không hề tương xứng.

Hơn nữa, CLB Barcelona hay ĐT Tây Ban Nha không phải không có tiền đạo, thậm chí còn là tiền đạo ngôi sao có đẳng cấp thế giới, nhưng vì đội hình của họ sở hữu những tiền vệ xuất chúng như Lionel Messi, Andres Iniesta hay Cesc Fabregas, có thể hoàn thành trên mức tuyệt vời cả nhiệm vụ kiến thiết lẫn chức năng ghi bàn, nên giải pháp tốt nhất của HLV trưởng những đội bóng này là tung hết dàn sao của mình vào sân, và trong trường hợp cần thiết thì họ vẫn sử dụng tiền đạo thực thụ để tạo nên sự đột biến.

Trong khi đó, “tiki-taqua” của ĐT Việt Nam lại giống với một sản phẩm mang tính bị động nhiều hơn, khi việc tìm kiếm một chân sút thực thụ cho các ĐTQG Việt Nam đang trở nên hết sức khó khăn vì sự xuất hiện tràn ngập của các tiền đạo nước ngoài ở V-League và giải hạng Nhất, nên HLV Calisto trước đây và HLV Phan Thanh Hùng hiện tại buộc phải xây dựng lối chơi dựa vào hàng tiền vệ. Đặt giả thiết HLV Calisto hay HLV Phan Thanh Hùng có dư thừa tiền đạo nội để lựa chọn thì hẳn là chẳng nhà cầm quân nào lại muốn tung ra sân một đội hình chẳng có lấy một cây săn bàn đúng nghĩa, như ĐT Việt Nam ở trận thắng vừa qua trước ĐT Malaysia.

Theo TT&VH