Tiếp sức cho nông dân làm giàu

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 05/11/2012

(HNM) - Ba Vì là "thủ phủ" chăn nuôi bò sữa của Hà Nội. Mặc dù còn có những khó khăn về nguồn vốn cho nông dân mở rộng quy mô trang trại, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến lợi nhuận thấp... nhưng hiện nay chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì đang giúp cho hàng nghìn người dân thoát nghèo. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp kinh doanh sữa trên địa bàn, nhiều hộ nông dân đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 Chăm sóc đàn bò sữa tại huyện Ba Vì. Ảnh: Thái Hiền


Theo Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, hiện nay toàn huyện có 1.500 hộ nuôi bò sữa. Mục tiêu của huyện đến hết năm 2012 sẽ phát triển đàn bò sữa lên 5.500 con, trọng tâm chủ yếu ở 10 xã thuộc vùng đồi gò, miền núi, sản lượng sữa hàng hóa đạt từ 11.000 đến 12.000 tấn. Tản Lĩnh là một trong những xã tiên phong phát triển đàn bò sữa. Vốn là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trước đây cuộc sống người dân Tản Lĩnh lam lũ, vất vả nhưng nhờ chăn nuôi bò phát triển, đi kèm với các dịch vụ từ sữa phục vụ khách du lịch đã giúp đời sống người dân địa phương có nhiều thay đổi. Chị Cao Thị Minh Xuân, cán bộ Ban phát triển chăn nuôi bò sữa xã Tản Lĩnh cho biết: Trong 5 năm gần đây, chăn nuôi bò sữa ở Tản Lĩnh phát triển mạnh, mỗi hộ chăn nuôi 4-5 con bò, trừ các khoản chi phí cũng thu được 15-17 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cái khó của người chăn nuôi hiện nay là thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất bởi mua một con bò giống phải đầu tư tiền vốn tới hàng chục triệu đồng.

Tháo gỡ khó khăn trên, năm qua, huyện Ba Vì đã phối hợp với các công ty thu mua sữa trên địa bàn xây dựng chiến lược đồng hành cùng nông dân, giúp họ mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo thành vùng nguyên liệu để nông dân và doanh nghiệp cùng phát triển. Theo Phó Chủ tịch huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải, trong thời gian tới, sẽ nâng tổng đàn bò sữa của huyện lên khoảng 20.000 con và mở rộng diện tích đất trồng cỏ cho phát triển đàn bò, giúp người chăn nuôi làm giàu từ chăn nuôi bò sữa. Để đạt mục tiêu trên, từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế IDP và các đơn vị thu mua sữa trên địa bàn triển khai kế hoạch hỗ trợ vốn giúp người nông dân mua bò sữa trưởng thành, đồng thời hỗ trợ lai tạo giống mới cho các hộ chăn nuôi bò sữa trong vùng quy hoạch để nâng cao chất lượng sữa. Các xã miền núi như Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài... sẽ tập trung phát triển đàn bò sữa; các xã vùng ven sông như Phú Đông, Cổ Đô, Vạn Thắng, Phong Vân, Tòng Bạt, Phú Cường, Phú Châu, Minh Châu, Tiên Phong và Thụy An sẽ tập trung phát triển đàn bò thịt. Từ đó giúp các địa phương tạo điều kiện cho người nông dân phát triển kinh tế từ chăn nuôi.

Theo đại diện Công ty IDP, hiện Ba Vì là vùng nguyên liệu sữa chính của DN, hơn 90% nguồn sữa nguyên liệu tại đây do IDP thu mua. Do đó, công ty sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất này và tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu sữa. Hiện công ty đã xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy chế biến sữa tại xã Tản Lĩnh với công suất 20 triệu lít/năm, đủ để tiêu thụ sản phẩm cho người dân toàn huyện Ba Vì và các tỉnh lân cận. Để tạo điều kiện cho nông dân có nguồn vốn mở rộng quy mô trang trại, mỗi con bò sữa sẽ được huyện và doanh nghiệp cho vay 20 triệu đồng, ưu tiên các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô đạt từ 5 bò sữa trở lên, cho mỗi hộ vay không quá 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, trong đó nguồn vốn cho vay của các doanh nghiệp sẽ không tính lãi. Ngoài ra các hộ còn được hỗ trợ về giống cỏ mới đạt năng suất, chất lượng cao và hướng dẫn chế biến bảo quản và sử dụng thức ăn xanh. Tuy nhiên, điều quan trọng trong thời gian tới là người nuôi bò sữa ở địa phương phải chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chuyên nghiệp hóa để giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng sữa. Ngoài ra, huyện cần phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nông dân chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. 

Sơn Tùng