Quản lý lỏng lẻo, thương lái lách luật
Xã hội - Ngày đăng : 06:09, 05/11/2012
Tình trạng này tiếp tục diễn biến phức tạp là do các bộ, ngành và chính quyền các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, việc quản lý lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho đầu nậu lách luật để vận chuyển gia cầm… Đây là những nhận định trong hội nghị về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhập lậu gia cầm qua biên giới do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức.
Xe ô tô chở gà nhập lậu bị bắt trên đường vận chuyển về Hà Nội. |
Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập từ 70 đến 100 nghìn tấn gà thải loại. Đối với gia cầm giống, loại giống nhập lậu chủ yếu là gà địa phương của Trung Quốc, vịt bầu, trứng giống, trứng ấp dở nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) mỗi năm khoảng 15-30 triệu con. Huyện Phú Xuyên được coi là "thủ phủ" về cung cấp giống gia cầm, mỗi năm cung cấp cho các cơ sở ấp trứng trên địa bàn thành phố Hà Nội hơn 1 triệu con nhưng có tới 30% giống không rõ nguồn gốc do thương lái các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa đưa về đây tiêu thụ. Việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho giống gia cầm mới chỉ đạt khoảng 50% lượng gia cầm giống xuất ra. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nhập lậu gia cầm gia tăng nhưng chủ yếu là do chênh lệch giá giữa Việt Nam và Trung Quốc quá lớn (gấp khoảng từ 3 đến 5 lần). Siêu lợi nhuận này khiến dân buôn lậu bất chấp mọi thủ đoạn.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chế tài xử phạt quá nhẹ và chưa nghiêm khắc nên chưa đủ tính răn đe, trong khi các địa phương còn quản lý lỏng lẻo, biết rõ các đầu nậu nhưng không xử lý dứt điểm. Ông Đào Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh nhận định, việc không xử lý triệt để gà nhập lậu vào địa bàn chứng tỏ các ngành chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Mặc dù biết rõ tại tỉnh Quảng Ninh có 9 xe chuyên vận chuyển buôn bán gia cầm lậu vào thị trường Hà Nội nhưng đành bất lực vì chỉ ngành nông nghiệp vào cuộc thì không thể giải quyết được. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền để người dân nhận thấy tác hại của gà thải loại và tẩy chay không tiếp tay cho đầu nậu hoạt động buôn bán, cần phải phân rõ trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc xử lý đầu nậu buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cũng cần phân rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong các khâu công việc. Bộ NN&PTNT cũng cần phải cải tiến công tác thanh kiểm tra từ Bộ đến cơ sở, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn thì cho rằng, cần phải có chế tài đủ mạnh để xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe, nếu khi bắt được chỉ tịch thu, tiêu hủy, xử lý hành chính mà không đưa vào xử lý hình sự như hiện nay thì rất khó răn đe các đối tượng buôn bán.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần chỉ đạo, các địa phương phải quyết liệt phòng, chống nhập lậu gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi qua biên giới để hạn chế sự lây truyền của dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Nếu vẫn để xảy ra tình trạng gia cầm lậu tràn vào địa phương thì quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp và kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc. Các bộ, ngành cần chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động của chốt kiểm dịch liên ngành và xử lý nghiêm minh các bộ phận không trực. Các tỉnh có chợ đầu mối như Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch hằng ngày số gia cầm nhập vào chợ dân sinh và chợ đầu mối. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng và hướng dẫn người nông dân mua giống có nguồn gốc và cảnh báo đến người tiêu dùng, người chăn nuôi tẩy chay sản phẩm thực chất chỉ là phụ phẩm, ít chất dinh dưỡng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch gây hại cho sức khỏe.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình: Trong 10 tháng của năm 2012, toàn thành phố đã bắt và tiêu hủy 130 tấn gia cầm không rõ nguồn gốc, riêng chợ Hà Vỹ là 23,11 tấn. Tuy nhiên, việc quản lý gia cầm vào chợ Hà Vỹ còn nhiều bất cập. Trong khi các đầu nậu dùng mọi thủ đoạn để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng thì quy định "chở 50 con gia cầm không phải kiểm dịch" đang được các đối tượng khai thác triệt để. Hiện các thương lái đã xé lẻ hàng dưới 50 con gia cầm để vận chuyển bằng xe máy đưa vào chợ, đây là kẽ hở cần phải giải quyết sớm. |