Trách nhiệm với Thủ đô, trách nhiệm của cả nước

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 05/11/2012

(HNM) - Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Thủ đô - một bộ luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống không chỉ có ý nghĩa quan trọng với chính quyền và nhân dân Hà Nội trong công cuộc kiến thiết Thủ đô ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", mà còn tạo điều kiện để Hà Nội thể hiện trách nhiệm là Thủ đô của một quốc gia đang vươn mình hội nhập cùng thế giới và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Trong vai trò những người đại biểu của nhân dân, các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện trách nhiệm của mình trước mỗi quyết định, mỗi sự lựa chọn. Và với một bộ luật quan trọng có tầm ảnh hưởng như Luật Thủ đô, không thể không cân nhắc, tuy nhiên có một số vấn đề cần được khẳng định rõ:

- Như bất kỳ một thủ đô nào trên thế giới, Hà Nội là nơi đặt trụ sở của các cơ quan đầu não trong hệ thống chính trị, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước, là địa bàn không thể để xảy ra bất kỳ biến cố bất thường nào về quốc phòng, an ninh… Do vậy, việc tạo lập hành lang pháp lý đặc thù để Hà Nội phát huy tiềm năng, thế mạnh làm tròn trách nhiệm Thủ đô đối với cả nước là trách nhiệm chung trên tinh thần Thủ đô là của cả nước…

- Nếu như các luật khác như Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường… có chương dành riêng các quy định cho Thủ đô thì việc xây dựng Luật Thủ đô có thể không cần thiết. Thế nhưng, từ trước đến nay khi làm luật, cơ quan hữu trách chưa tính tới đến việc này. Do vậy, ban hành Luật Thủ đô cũng là cách để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước. Đây là việc làm cần thiết, đúng thủ tục, đúng thẩm quyền của Quốc hội.

- Xuất phát từ thực tế khách quan của đời sống xã hội có thể thấy, nếu không có chế tài cụ thể, liệu hạ tầng cơ sở có thể chạy theo làn sóng nhập cư tiếp tục ồ ạt đổ vào Hà Nội như thời gian vừa qua? Trong xử phạt vi phạm hành chính cũng tương tự, giá trị giao dịch mỗi mét vuông xây dựng lên tới hàng trăm triệu đồng, chủ đầu tư chỉ cần xây sai phép, vượt 1-2 tầng, mỗi tầng hàng trăm mét vuông thì số tiền phạt ở mức 50-100 triệu đồng như hiện nay liệu có đủ sức răn đe?

- Việc quản lý dân cư ở một đô thị lớn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết để Hà Nội khang trang hơn, trật tự hơn. Những thành công của TP Đà Nẵng là một minh chứng cụ thể, có lẽ không phải bàn thêm. Còn việc xử phạt hành chính cao hơn các địa phương khác, xét cho cùng, cũng chỉ là giải pháp hành chính trong tổng thể nhiều giải pháp để giảm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng. Quản lý dân cư, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của cư dân đô thị cũng là để góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân và đáp ứng nhu cầu của du khách tới Hà Nội...

Luật Thủ đô sẽ điều chỉnh Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước, chính quyền và người dân Hà Nội có trách nhiệm xây dựng Thủ đô xứng tầm với đất nước và mọi công dân Việt Nam đều có trách nhiệm với sự phát triển của Thủ đô. Là Thủ đô của một quốc gia, Hà Nội đã có vị trí đặc thù, do vậy tạo một cơ chế đặc thù cho Thủ đô là cần thiết. Người dân Hà Nội hy vọng với trí tuệ và trách nhiệm của người đại diện nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra các ý kiến tâm huyết, sớm đưa Luật Thủ đô vào thực hiện để Hà Nội có thêm cơ chế phát triển, xứng đáng là nơi lắng hồn núi sông, là gương mặt của đất nước.

Thế Phương