Hỗ trợ nông dân phải thiết thực, cụ thể, tới tận tay…

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 04/11/2012

(HNM) - Cuộc trao đổi của PV Báo Hànộimới với ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, xoay quanh các giải pháp căn cơ nhằm tiến tới xóa bỏ những nghịch lý lâu nay tồn tại trong sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cả nước nói chung.

Chưa tròn trách nhiệm với nông dân

- Lúa và cá tra là hai sản phẩm chủ lực của ĐBSCL cũng như TP Cần Thơ. Ông có thể cho biết tình hình sản xuất của bà con nông dân năm nay?

- Đông xuân và hè thu là hai vụ sản xuất chính của bà con trồng lúa. Năm nay cả hai vụ này đều được mùa nhưng lợi nhuận của bà con nông dân rất ít, thậm chí không có. Lý do là vì giá lúa quá thấp trong khi giá thành sản xuất, từ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công, xăng dầu,… đều tăng cao. Đến vụ thu đông thì giá lúa có tăng, nhưng đây là vụ phụ, sản lượng ít nên dù có lãi cũng không thể bù lại được hai vụ chính.

Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại.


Còn với cá tra, phải nói đây là sản phẩm “trời cho” ĐBSCL, vì không một nơi nào nuôi cá tra với diện tích nhỏ mà có số lượng lớn như ở đây, vậy mà người nuôi cá cũng không có lợi nhuận. Năm nay, người nuôi cá tra cũng lỗ từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lỗ đến 5.000 đồng/kg. Phải biết rằng người nông dân ĐBSCL nuôi cá tra quy mô hàng chục tấn, vài chục tấn nên con số lỗ không hề nhỏ. Cái nghịch lý của nuôi cá tra là dù lỗ nhưng không bán không được vì nếu giữ lại thì phải cho cá ăn; mà cho ăn thì cá lại lớn lên, quá lứa lại mất giá. Vậy nên người nông dân nằm trong tình thế giá nào cũng phải bán. Hơn nữa, với cơ chế mua bán của DN thì người chăn nuôi luôn bị thiệt thòi.

- Ông vừa nói đến cơ chế mua bán của DN khiến người chăn nuôi bị thiệt thòi. Cụ thể là gì, thưa ông?


- Đó là tình trạng nhiều DN mua cá của nông dân và đến 30 - 60 ngày sau mới trả tiền, làm như thế là chiếm dụng vốn của nông dân. Trong khi đó, người nuôi cá cần tiền để tái đầu tư nhưng không thể vay ngân hàng vì sản phẩm đã bán rồi, không có gì thế chấp để vay nên phải đi mua nợ thì lại bị tính lãi suất 2%/tháng. Vậy là người nông dân phải chịu lãi suất “kép”, tức là lãi suất hai lần trong thời gian đó, rất thiệt thòi!

- Vậy là đang tồn tại nghịch lý, hai sản phẩm được coi là chủ lực, luôn đứng trong “top” xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng người làm ra sản phẩm đó thì lại chịu thiệt, luôn bấp bênh trong tình trạng được mùa mất giá. Theo ông thì nguyên do từ đâu?

- Đó là một cơ chế cung - cầu mà hiện tại nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm. Theo quy luật, cung không vượt cầu thì giá tăng và ngược lại. Thế nhưng ở con cá tra thì chỉ theo quy luật này 50%, vì có những lúc rõ ràng thiếu sản phẩm nhưng vẫn bị ép giá. Tôi chưa thấy sản phẩm nào xuất khẩu độc quyền mà lại bị ép giá như cá tra Việt Nam. Đó là do lỗi quản lý xuất khẩu lỏng lẻo, xuất khẩu mà ồ ạt làm, ai làm cũng được, có thời điểm có đến mấy trăm DN xuất khẩu cá tra. Đi dự hội chợ quốc tế mà số người bán của Việt Nam còn nhiều hơn cả người mua! Vì quá nhiều người đi bán nên phải cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá xuống, DN này hạ thì DN khác lại hạ xuống nữa. Giá cá tra thấp là do DN vì cạnh tranh nhau đã tự phá giá sản phẩm của mình. DN nước ngoài họ không dại gì mua giá 4-5 USD khi người bán chấp nhận giá 2,5USD! Mà khi đã hạ giá xuống, để không bị lỗ thì DN lại hạ giá với người chăn nuôi, cuối cùng là đổ hết lên người nông dân gánh chịu! Nhà nước đã không làm tròn trách nhiệm, để DN ra ngoài muốn bán với giá bao nhiêu thì bán nên mới xảy ra tình trạng này.

- Nhưng giá cả thì phải vận hành theo cơ chế thị trường, nhà nước đâu có thể áp đặt được, thưa ông?

- Nhà nước có thể quy định giá sàn xuất khẩu. Cần phải quy định giá sàn và kiểm tra chặt chẽ DN xuất khẩu để tránh chuyện cạnh tranh bằng cách phá giá như thế.

Hỗ trợ phải thực tế, cụ thể

- Để bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa, Chính phủ cũng đã thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam ứng vốn cho DN mua tạm trữ nhằm giữ giá mỗi khi giá lúa xuống thấp. Vậy mà vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Theo ông thì có nên hỗ trợ như vậy nữa không?

- Chính phủ có hỗ trợ, nhưng phương thức thực hiện chưa được hiệu quả. Cần phải hỗ trợ cho nông dân một cách cụ thể, đó là phải có lãi khi làm ra sản phẩm. Và sự hỗ trợ đó phải tới tay người nông dân, tránh tình trạng tạm thời, không mang lại hiệu quả và thậm chí còn đi vào chỗ khác. Theo tôi, cần phải hỗ trợ bà con nông dân ở cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, hiện nông dân đang phải vay vốn lãi suất rất cao, khoảng 13%-15%/năm như các DN sản xuất kinh doanh khác. Cần phải hạ lãi suất xuống, với nông dân sản xuất trực tiếp chỉ nên ở khoảng 0% - 4%. Ở đầu ra cũng phải hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân.

- Đầu ra cho sản phẩm chính là nỗi lo thường trực của người nông dân, vì họ phải phụ thuộc thương lái, vào DN chứ không thể tự quyết định. Theo ông thì giải pháp hỗ trợ trực tiếp nên như thế nào để thực sự có hiệu quả?

- Hiện chúng tôi đang xây dựng dự án chợ lúa gạo cho Cần Thơ. Đây sẽ là nơi bảo quản lúa cho bà con nông dân và không tính tiền lưu kho. Nếu thu hoạch xong mà nông dân chưa muốn bán thì gửi vào đây. Khi đã gửi lúa vào, nếu bà con có nhu cầu vay để tái đầu tư thì sẽ được hỗ trợ cho vay 50% giá trị của số lúa này với lãi suất 0% - 1%. Nhà nước chỉ định giá chuẩn để cho vay tái đầu tư thôi, chứ quyết định giá bán và thời gian bán là của họ. Ví dụ ông A gửi lúa vào, được định giá chuẩn để cho vay là 6.000 đồng/kg nhưng ông A muốn bán 7.000 đồng/kg thì giá lúa trên thị trường của ông sẽ là 7.000 đồng. Ở nơi này sẽ niêm yết giá lúa của nông dân gửi vào đây, tạo ra sàn giao dịch để DN chọn lựa và mua, sòng phẳng và công bằng. Sau khi khách hàng đến mua, quyết toán thì ngân hàng và Ban quản lý chợ sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ tiền cho vay, rồi trả lại cho người có lúa phần còn lại. Phải làm được như vậy thì bà con nông dân mới là người hưởng lợi. Còn lượng lúa nằm trong kho là lượng lúa dự trữ quốc gia luôn.

- Đó sẽ là một giải pháp hấp dẫn, lợi cho cả “3 nhà”: Nhà nước, DN và nhất là nguời nông dân. Thế nhưng, để làm được điều đó thì e rằng phải đầu tư rất lớn?

- Tuy là phải đầu tư nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất nhiều. Đó là người nông dân được quyền quyết định sản phẩm mình làm ra và có tiền tái đầu tư, yên tâm sản xuất. DN cũng chủ động hơn khi ký hợp đồng xuất khẩu vì biết rõ lượng lúa hàng hóa có bao nhiêu, giá thế nào. Những yếu tố này sẽ làm cho cân bằng lúa trong cung cầu, tránh trường hợp được mùa mất giá.

- Khi nào thì dự án này hoạt động, thưa ông?

- Hiện chúng tôi đang xây dựng đề án, sau đó sẽ xin ý kiến của các cơ quan chức năng rồi trình lên các bộ, ngành và Chính phủ. Nếu được Chính phủ thông qua thì mới xây dựng được lộ trình. Ban đầu làm thí điểm, khi nào có hiệu quả thì nhân rộng ra.

- Đó là đối với lúa gạo. Thế còn đầu ra cho con cá tra?

- Con cá tra không bị ảnh hưởng bởi thời vụ sản xuất, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi thời vụ kinh doanh, ví dụ mùa hè xuất khẩu sang Châu Âu ít vì người ta đi du lịch nhiều. Thế nên cũng cần tạm trữ cá tra trong thời điểm dư, để bán ra trong những thời điểm thiếu. Tuy nhiên khác với lúa, cá tra chỉ có thể tạm trữ sau khi sơ chế. Con cá tra cũng đầu tư nhiều hơn vì cần hệ thống nhà máy, kho bãi tốt. Nhưng sớm muộn thì cũng phải làm, vì có như vậy thì sản xuất, xuất khẩu cá tra mới hết cảnh ăn xổi ở thì.

- Sàn lúa gạo chỉ mới ở giai đoạn xây dựng đề án, nếu được triển khai thì cũng mất một thời gian dài, trong khi bà con nông dân thì đang cần được hỗ trợ. Biện pháp tạm trữ như từ trước đến nay đã không mang lại hiệu quả như ý, vậy theo ông, phương án hỗ trợ tạm thời là gì?


- Tôi thấy có hai vấn đề làm nhanh được. Thứ nhất là hạ lãi suất cho nông dân sản xuất trực tiếp về từ 0% đến 4%. Còn về tạm trữ, hiện Chính phủ đang giao Bộ NN&PTNT chủ trì lấy ý kiến Dự thảo quy chế tạm trữ lúa gạo theo hướng phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo thông qua UBND cấp tỉnh để bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trồng lúa. Theo tôi, địa phương đứng ra điều phối việc tạm trữ sẽ tốt hơn nhờ nắm rõ sản lượng lúa gạo, biết thời điểm nào cần tạm trữ, từ đó đưa ra con số phù hợp. Nhưng phương án này cũng còn bất cập, vì các địa phương, có những nơi diện tích cao, sản lượng cao nhưng hệ thống kho bãi ít nên muốn tạm trữ nhiều cũng không được, và ngược lại. Điển hình như Kiên Giang diện tích nhiều nhưng hệ thống kho bãi ít, Cần Thơ vì lúa gạo các nơi tập trung về đây để xuất khẩu nên diện tích ít nhưng kho bãi nhiều,… Vậy nên việc thay đổi đơn vị thực hiện tạm trữ cũng chỉ là giải pháp tức thời mà thôi.

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm

- Trở lại vấn đề xuất khẩu. Như ông nói thì xây dựng giá sàn sẽ hạn chế DN cạnh tranh hạ giá. Nhưng giá sàn cũng có hạn chế của nó, đơn cử như giá sàn xuất khẩu gạo đã có nhiều năm nay, nhưng bị DN “kêu” rất nhiều vì đôi khi không theo kịp diễn biến thị trường, nhiều lúc giá gạo thế giới thấp nhưng giá sàn vẫn cao khiến DN mất cơ hội xuất khẩu, hoặc ngược lại, giá gạo thế giới tăng nhưng giá sàn vẫn ở mức thấp?

- Kinh doanh là cơ hội, khi nó qua đi thì rất khó cho DN. Quan điểm của tôi vẫn là phải thực hiện giá sàn để tránh DN cạnh tranh phá giá nhau ở thị trường xuất khẩu. Vì vậy mà trách nhiệm của nhà nước, những đơn vị định giá sàn phải linh hoạt và kịp thời điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ cho DN.

- Nhưng chỉ có giá sàn thì không thể tránh được tình trạng tréo ngoe là “độc quyền mà bị ép giá”, thưa ông?

- Đúng vậy. Giá sàn xuất khẩu chỉ điều chỉnh được một mặt. Còn để xuất khẩu bền vững, tránh tình trạng độc quyền mà bị ép giá thì phải xây dựng thương hiệu để độc quyền sản phẩm. Câu chuyện thương hiệu là rào cản khiến người tiêu dùng thế giới ít biết đến sản phẩm đặc thù của Việt Nam nên mang tiếng là xuất khẩu độc quyền nhưng thực tế lại không có quyền quyết định giá. Cá tra Việt Nam đã có mặt ở 125 thị trường, nhưng chưa có thương hiệu trên thương trường quốc tế. Cả gạo cũng vậy.

- Sản phẩm thế mạnh của Việt Nam vẫn phải xuất khẩu với tên DN nước ngoài là một điều đáng buồn. Tại sao việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông sản như cá tra và gạo đã được nhắc đến từ rất lâu, nhưng vẫn không làm được?

- Xây dựng thương hiệu quốc gia phải là trách nhiệm của nhà nước. Ví dụ như con cá tra, nhà nước phải hỗ trợ bằng cách nhanh chóng xây dựng bộ quy chuẩn, từ con giống đến khi ra thành sản phẩm. Từ quy chuẩn đó các DN xây dựng thương hiệu cho mình và đưa sản phẩm đạt chuẩn ra thị trường. Đây là giải pháp để xây dựng và bảo vệ thương hiệu và giữ vững thị trường xuất khẩu không chỉ cho cá tra mà còn cho các sản phẩm khác.

- Cách đây 10 năm cá da trơn của Việt Nam đã từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá khi gia tăng nhanh thị phần ở thị trường này. Còn hiện Việt Nam đã gia nhập WTO, phải thực hiện những quy định ngặt nghèo của tổ chức này trong hỗ trợ thương mại, đặc biệt là trợ cấp xuất khẩu nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Vậy những biện pháp hỗ trợ trên liệu có đi ngược lại các thỏa thuận đã đàm phán trong WTO hay không?

- WTO chỉ cấm những biện pháp trợ cấp bóp méo thương mại. Còn những biện pháp trên đều đúng quy định về trợ cấp tại Hiệp định Nông nghiệp của WTO dành cho nước đang phát triển. Còn đối với xuất khẩu, nước đang phát triển như Việt Nam được hưởng những hình thức “đối xử đặc biệt” của WTO như được trợ cấp nhằm giảm chi phí tiếp cận thị trường nước ngoài, nâng phẩm cấp để xuất khẩu,… nên có thể thực hiện mà không phải lo ngại gì.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đặng Loan