Mất cân bằng giới tính khi sinh: Hệ lụy khó lường
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 04/11/2012
Ngày 3-11, Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh đã được Bộ Y tế tổ chức, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhằm tìm ra giải pháp khả thi cho vấn đề này.
Mất cân bằng giới tính - phái nữ thiệt thòi
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy diễn ra muộn song có tốc độ gia tăng nhanh từ năm 2006. Tình trạng mất cân bằng xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Từ đầu năm 2000, "quy luật dừng" ở Việt Nam cũng đã có sự thay đổi. Trước đây, muốn có con trai thì cặp vợ chồng Việt chỉ có cách đẻ nhiều cho tới khi có con trai mới thôi. Gần đây, nhiều cặp vợ chồng chủ động tìm kiếm kỹ thuật lựa chọn giới tính ngay từ lần sinh đầu. Bởi vậy, TSGTKS trong lần sinh thứ 3 trở lên ở nhóm các bà mẹ chưa có con trai lên tới 130/100, riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng là 152/100. Với những gia đình khá giả và những phụ nữ có trình độ học vấn cao, mức chênh TSGTKS ở mức cao nhất. Tại Hà Nội, vấn đề mất cân bằng GTKS đã đến mức báo động. Năm 2011, TSGTKS của Hà Nội là 116/100.
Theo bà Nguyễn Thị Khá (Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội), nguyên nhân của thực trạng trên là các chính sách hiện vẫn chưa đồng bộ, thiếu biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi; nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, người dân còn hạn chế. Mặc dù phải tới giai đoạn 2025-2030 thì hậu quả của sự mất cân bằng GTKS mới hiện hữu trong đời sống xã hội nhưng các chuyên gia đã dự báo trước được hệ lụy, như là làm thay đổi hệ thống hôn nhân và gia đình, tạo luồng di cư quốc tế, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái dưới hình thức hôn nhân, đám cưới giả diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện tình trạng "xuất - nhập khẩu cô dâu".
Sự gia tăng TSGTKS làm trầm trọng thêm vấn nạn bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn sẽ tăng cao. Người ta quan ngại về sự bạo hành giới, tình trạng buôn bán phụ nữ và các cơ sở mại dâm có thể sẽ gia tăng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rõ: Tình trạng mất cân bằng GTKS, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ để lại tai họa cho đất nước.
Nhiệm vụ lâu dài và khó khăn
Mặc dù sớm nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và Chính phủ cũng như ngành dân số đã có những nỗ lực nhất định, song tới nay dường như chưa có dấu hiệu rõ rệt cho thấy tình trạng gia tăng TSGTKS ở Việt Nam sẽ chững lại. Gần đây nhất, ngày 14-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó xác định mục tiêu chính cần thực hiện trong giai đoạn này: Giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số GTKS, đặc biệt tập trung vào các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức 105-106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2025, dưới mức 113/100 vào năm 2015.
Theo lãnh đạo ngành dân số, việc đạt TSGTKS dưới mức 113/100 vào năm 2015 không phải là điều dễ dàng. Do đó, ngay từ bây giờ Việt Nam cần có nhiều giải pháp quyết liệt, triệt để, trong đó việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động cùng với giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện bình đẳng giới đóng vai trò rất quan trọng. Tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Armenia… tình trạng mất cân bằng GTKS diễn ra trước ta hàng thập kỷ và kết quả là đa số các quốc gia này đang đối mặt với hậu quả nặng nề. Nước duy nhất trên thế giới đã thành công trong việc đưa chỉ số GTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên là Hàn Quốc. Quốc gia này đã đưa ra các chế tài nghiêm khắc trong luật y tế, đẩy mạnh tuyên truyền hướng tới sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội, chuyển từ "trọng nam" sang "trọng nữ", ban hành luật bình đẳng giới, thành lập Bộ Bình đẳng giới và bãi bỏ hẳn các chính sách giảm sinh, chuyển sang "khuyến sinh". Ông Dương Quốc Trọng khẳng định: Từ bài học thành công của Hàn Quốc, tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dù khó có thể giảm nhanh sự mất cân bằng GTKS trong thời gian tới nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện quyết liệt các giải pháp. Bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, từng bước vận động người dân giảm tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ, không phân biệt con trai, con gái. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường chất lượng của đội ngũ cộng tác viên cơ sở. Bên cạnh đó, ngành y tế cần kết hợp với ngành giáo dục trong việc đưa vấn đề giới tính vào trường học để học sinh có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới.