Cảnh giác với nông sản nhập ngoại
Xã hội - Ngày đăng : 09:13, 03/11/2012
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, các loại rau củ quả có xuất xứ từ Trung Quốc, về chợ đã giảm khoảng 50%. Hiện chỉ còn 7 - 8 điểm bán rau củ quả Trung Quốc trong khi trước kia tới 20 điểm. Tại các chợ truyền thống trong nội thành, trước đây người bán thường giấu nguồn gốc rau củ quả thì giờ đây họ buộc phải công khai để người tiêu dùng lựa chọn. Một tiểu thương tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) cho biết: "Từ khi công khai nguồn gốc các loại nông sản, nhiều khách hàng quen đã không mua sản phẩm từ Trung Quốc mà chuyển sang dùng hàng trong nước, dù có bề ngoài xấu hơn và giá đắt hơn".
Người tiêu dùng ở thành phố đã kỹ tính hơn trong việc chọn lựa trái cây. |
Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, GĐ Quan hệ công chúng siêu thị Big C, hàng rau củ quả tại Big C hiện có trên 95% là hàng Việt Nam, khoảng 5% còn lại là hàng nhập khẩu, trong đó chủ yếu là hàng trái cây (nho, lê, táo, kiwi…) - những mặt hàng ít có tại Việt Nam - với nhiều xuất xứ khác nhau, chủ yếu đến từ Mỹ, New Zealand, Australia, Nam Phi… Hàng đến từ Trung Quốc thật sự rất ít, chỉ có táo và lê đường. Các mặt hàng này được mua qua nhà nhập khẩu có uy tín, có đầy đủ hồ sơ nhập khẩu và chất lượng theo quy định Việt Nam, được Big C kiểm soát rất chặt chẽ ở khâu thu mua và nhập hàng. Vì số lượng quá ít và doanh số thật sự không đáng kể trong ngành hàng rau củ quả nói chung có tại siêu thị nên biến động không nhiều trong thời gian qua.
Còn tại siêu thị Co.op Mart, đại diện đơn vị này cho biết, hiện Co.op Mart đang thực hiện chủ trương không kinh doanh hàng nông sản, đặc biệt là trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, tỷ lệ trái cây nội địa của siêu thị này luôn duy trì 90%, 10% còn lại nhập khẩu từ các nước Mỹ, Chile, Nam Phi, New Zealand…
Đi vòng quanh các chợ truyền thống lớn trên địa bàn TP, PV ghi nhận các loại nông sản có bao bì, nhãn mác Trung Quốc mặc dù vẫn còn nhưng không bày bán nhan nhản như trước. Tại chợ Bà Chiểu, anh Lượm, chuyên lấy rau củ quả từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho hay: Nhiều người đến mua cũng hỏi nguồn gốc xuất xứ, nói dối thì mất khách hàng, mà nói thật đây là hàng Trung Quốc thì họ lờ đi ngay.
Mặc dù hiện nay nông sản trong nước đã thực sự có chỗ đứng tại các siêu thị, chợ truyền thống và ý thức mua sắm của người tiêu dùng đã được nâng cao, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nhập khẩu nông sản từ các vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc vẫn phức tạp và khó kiểm soát. Với 3 phương thức kiểm dịch hiện nay là trên hồ sơ, xem xét ngoại quan và xét nghiệm trên một số mẫu thì vẫn chưa chuyên nghiệp, chủ yếu chỉ bằng mắt thường, tại cửa khẩu cũng chưa được trang bị những phương tiện cần thiết. Ông Dương Ngọc Thí, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất, giải pháp cơ bản hiện nay là phải tăng cường nguồn lực và năng lực để có thể kiểm soát rau quả nhập khẩu ngay tại biên giới, đồng thời xem xét lại một số chính sách khi khuyến khích cư dân biên giới tham gia nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm.