Phải bảo đảm tính công bằng và hợp lý
Đời sống - Ngày đăng : 09:06, 03/11/2012
Lượng phương tiện đang ngày càng gia tăng tại các thành phố lớn. Ảnh: Hồ Ý |
Anh Nguyễn Đình Cường (Giám đốc Công ty Vận tải T.Đ, Hà Nội): Thu phí theo kỳ kiểm định là chưa hợp lý...
Cần khẳng định, việc thu phí sử dụng đường bộ là cần thiết, nhằm duy tu, bảo trì đường bộ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số quy định và thời điểm thu mà dự thảo đề ra còn thiếu khách quan, không phù hợp tình hình thực tế. Với những doanh nghiệp vận tải lớn, nếu mỗi kỳ kiểm định lại phải bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để đóng phí sử dụng đường bộ, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải vay lãi ngân hàng để nộp phí. Mặt khác, đã là phí sử dụng đường bộ thì về nguyên tắc chỉ áp dụng với các phương tiện được đưa vào sử dụng, lưu thông trên đường. Nếu chỉ "bổ đầu" phương tiện vào kỳ đăng kiểm sẽ dẫn đến tình trạng nhiều xe không hoạt động do hỏng hóc, không có hàng hóa… cũng phải nộp phí sử dụng đường bộ là không hợp lý. Ngoài ra, cũng cần tính đến thời điểm áp dụng, bởi theo dự đoán, năm 2013 tình hình kinh tế tiếp tục còn gặp khó khăn, việc tăng thêm bất kỳ khoản thu nào đối với doanh nghiệp và người dân vào thời điểm này đều là không phù hợp…
Anh Nguyễn Quang Chính (phường Liễu Giai, quận Ba Đình): Nên bỏ xe máy khỏi danh sách nộp phí…
Theo dự thảo, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô được giao cho cơ quan đăng kiểm, riêng phí đối với xe máy do cơ quan cấp xã, phường chịu trách nhiệm. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, song đây là việc cực kỳ khó khăn, nhất là với chính quyền cấp phường, xã. Trong các gia đình, việc sở hữu xe máy làm phương tiện đi lại là rất phổ biến. Mỗi gia đình ít nhất cũng có từ một đến vài ba chiếc xe máy. Có thành viên trong gia đình sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại thường xuyên, nhưng không ít người chỉ sử dụng xe khi cần thiết. Chính quyền cấp phường, xã lâu nay vốn khó khăn về nhân lực, nay lại phải cử thêm cán bộ để đến từng gia đình "kiểm đếm" đầu xe, kê khai thông tin, thời gian nộp phí… Nếu người mới mua xe máy không khai báo với chính quyền địa phương, ai sẽ là người phát hiện, truy thu tiền phí sử dụng đường bộ của chủ xe? Xem ra quy định là vậy còn việc thực hiện hay không, thực hiện như thế nào lại phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân. Nếu phải dành ra một bộ phận đáng kể cán bộ xã, phường chỉ để có một nguồn thu không lớn và ổn định, thì tốt nhất nên bỏ xe máy khỏi danh sách nộp phí…
Ông Đặng Hữu Minh (phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân): Trách nhiệm của cơ quan cấp phép đào đường?
Cứ cho việc nộp phí sử dụng theo đầu phương tiện là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi chủ phương tiện cùng chung vai với Nhà nước trong việc đầu tư nâng cấp, bảo vệ hạ tầng cơ sở, đường sá. Như vậy, đường sá cũng là của nhân dân, do người dân đóng góp mà nên. Nhưng khi các đơn vị thi công đào đường, gây ảnh hưởng đến đi lại, có hỏi ý kiến của nhân dân không? Thực trạng chung hiện nay, một con đường vừa mới trải nhựa phẳng phiu chưa được bao lâu, thì có đơn vị thi công công trình ngầm đến đào lên rồi lấp lại, vài ba tháng sau đơn vị khác lại đào lên, sau đó vá víu thành những vết sẹo nham nhở, khiến chất lượng đường giảm, xuống cấp nhanh chóng. Trong khi, họ chỉ cần giấy phép đào đường, kèm hợp đồng hoàn công mà chẳng phải nộp khoản phí sử dụng đường nào cả. Vậy trách nhiệm của các cơ quan cấp phép đào đường như thế nào trong việc bảo vệ những con đường hàng nghìn tỷ đồng do Nhà nước và nhân dân đầu tư?