Mỹ tăng cường quân sự ở vịnh Persian: Động thái đáng lo ngại

Thế giới - Ngày đăng : 08:00, 03/11/2012

(HNM) - Ngay sau khi quân đội Iran kết thúc cuộc tập trận trên bộ và trên không kéo dài hai ngày (30 và 31-10), Washington cũng tăng thêm sự hiện diện quân sự đáng kể tại khu vực nóng bỏng này nhằm nâng cao khả năng đánh chặn các cuộc tấn công tiềm tàng.

Theo báo chí quốc tế, Mỹ đã điều thêm một nhóm tàu chiến tới vùng vịnh Persian, gồm tàu đổ bộ Peleliu, tàu vận tải trực thăng đổ bộ Green Bay, tàu vận tải Rushmore, tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một đơn vị đặc nhiệm, phi đội chiến đấu và các trực thăng vận tải quân sự cũng như phi đội chiến đấu cất cánh và hạ cánh thẳng đứng... Ngoài ra, nhóm còn có một tàu ngầm hạt nhân. Tổng số thủy quân lục chiến và thủy thủ là 2.400 người, trong nhiệm vụ kéo dài khoảng 6 tháng. Hải quân Mỹ cho biết, nhóm có thể được huy động ngay lập tức để thực hiện hàng loạt nhiệm vụ tác chiến, hỗ trợ nhân đạo, chống hải tặc, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tàu đổ bộ Peleliu của hải quân Mỹ hiện diện tại vịnh Persian khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran tiến thêm những căng thẳng mới.

Cuộc tăng quân bất ngờ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Israel đang có cuộc tập trận chung chống tên lửa quy mô lớn nhất từ trước tới nay giữa quân đội hai nước mang tên "Thử thách khắc nghiệt - 12", trong 3 tuần (bắt đầu từ ngày 21-10), ở Địa Trung Hải. Trong lúc căng thẳng chưa dừng giữa Iran và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran thì hành động tăng cường quân sự, răn đe giữa hai bên đã và đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Trước đó, Washington và Tel Aviv đã không loại trừ khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Ngày 30-10, phát biểu với báo chí trước khi lên đường thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu đã có lời cổ súy kế hoạch tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran khi nói rằng, thế giới Arab sẽ "yên lòng hơn" sau đòn tấn công. Trước đó, tờ Corriere della Sera (Italia) đưa tin, blogger Richard Silverstein, được nhiều người gọi là "WikiLeaks Israel", đã tiết lộ kế hoạch Israel tấn công Iran. Theo đó, cuộc tấn công sẽ được phối hợp với các vụ công kích không gian mạng mà chỉ trong vài phút sẽ vô hiệu hóa hệ thống internet, điện thoại, đài phát thanh, truyền hình, vệ tinh viễn thông, hệ thống cáp quang liên lạc giữa các chủ thể chiến lược liên quan tới Iran. Các nhà máy điện sẽ tê liệt vì bị gây chập mạch bằng đạn sợi carbon. Tàu ngầm Israel tại Vịnh Persian sẽ tấn công cơ sở hạt nhân của Iran bằng hàng chục tên lửa đạn đạo; trong khi đó, tên lửa hành trình tiêu diệt hệ thống điều khiển.

Cùng thời điểm này, mạng tin Báo cáo Tình báo hằng ngày (Mỹ) tiết lộ, trong bối cảnh chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, cả Mỹ và Israel đều đang thúc đẩy các kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chiến mới chống Iran. Mục đích của "Thử thách khắc nghiệt - 12" cũng nhằm ý đồ đó. Qua cuộc diễn tập, Washington và Tel Aviv có cơ hội thử nghiệm khả năng vô hiệu hóa đòn trả đũa của Tehran cùng các đồng minh của quốc gia Hồi giáo này. Điều này cũng đã được thể hiện trong quyết tâm của Nhà Trắng. Tại cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3 giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, gần cuối tháng 10 vừa qua, cả đương kim Tổng thống Barack Obama lẫn đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney đều thể hiện sự ủng hộ Israel thúc đẩy các biện pháp trừng phạt làm tê liệt kinh tế Iran và chuẩn bị chiến tranh.

Có thể thấy, trên mọi phương diện, từ ngoại giao, kinh tế cho đến quân sự đang ngày một tăng thêm áp lực lên chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Dư luận khu vực cho rằng, "đồng hồ" đang điểm và Mỹ sẽ không để Iran bước vào các cuộc đàm phán mà không có kết quả. Nếu Iran không đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế, khả năng Mỹ lựa chọn hành động quân sự là có thể để bảo đảm Iran không thể  sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Tehran xem ra không hề lay chuyển trong phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình. Giới phân tích cho rằng, "hạt nhân" chỉ là cái cớ để Mỹ và đồng minh muốn có bằng được ảnh hưởng tại không gian địa - chiến lược Iran để từ đó có ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Đông, đặc biệt với tuyến đường vận tải biển qua eo biển Hormuz. Chính điều đó đã và đang đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran chưa có điểm dừng.

Trung Hiếu