Lỗ hổng pháp luật
Xã hội - Ngày đăng : 07:28, 03/11/2012
Không rõ những tư liệu kể trên rồi đây có đủ sức nặng để những ai quan tâm có cái nhìn toàn cảnh về Thủy điện Sông Tranh 2 không. Nhưng trước đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này chỉ vẻn vẹn nửa trang nói về động đất kích thích vẫn được Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường chấp thuận đã làm nhiều người e ngại. Không băn khoăn sao được khi nhận định "không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường" chỉ dựa vào công trình "Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện" năm 2002 của một chuyên gia Viện Địa lý và nay thực trạng đang xấu hơn dự báo. Nhiều ý kiến mong muốn Bộ Công thương với vai trò là cơ quan chủ quản dự án xác định rõ trách nhiệm của mình, không đùn đẩy trách nhiệm. Và, theo yêu cầu của Chính phủ sẽ có nghiên cứu độc lập và những giải đáp mang tính tổng thể về hai vấn đề có tính chất quyết định đến an toàn của công trình, cũng là mối quan tâm hàng đầu của dư luận là chất lượng của đập và động đất.
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2005, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan chủ quản, vừa là thành viên trong Hội đồng thẩm định đánh giá tác động phải chủ trì nghiên cứu chi tiết những tác động xấu xảy ra khi dự án được thực hiện. Liên quan đến vấn đề này, Nghị định 117/2009 có quy định về trường hợp lập, thực hiện báo cáo đánh giá không đúng hoặc có sai sót sẽ bị xử phạt mức cao nhất là 170 triệu đồng nhưng với những hệ lụy hiện nay của Thủy điện Sông Tranh 2, mức phạt trên chưa đủ sức răn đe.
Như vậy, bên cạnh việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ như Chính phủ vừa chỉ đạo, cần chỉnh sửa bổ sung điều khoản pháp luật nhằm thắt chặt công tác đánh giá tác động môi trường, quy trách nhiệm rõ ràng cho các bên, từ chủ đầu tư, cơ quan quản lý đến nhà khoa học. Tinh thần chung là coi việc giải quyết những vấn đề về an toàn công trình Thủy điện Sông Tranh 2 là bài học cho những dự án khác trong tương lai để tránh xảy ra những sự cố tương tự.