Tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô
Du lịch - Ngày đăng : 07:16, 03/11/2012
Du khách tham quan khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phương An |
Thiếu "đặc sản"
So sánh sức hút của du lịch Thủ đô với các địa phương khác, những người làm du lịch đều chung quan điểm, Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh với gần 1.000 điểm du lịch văn hóa, lịch sử, danh thắng, thế nhưng đã bị các địa phương khác bỏ xa, nhất là vào các kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Lý do chính làm giảm sức hấp dẫn là chi phí du lịch ở Hà Nội luôn đứng tốp đầu về sự đắt đỏ, dù so với nhiều thủ đô khác trên thế giới vẫn rẻ hơn nhiều. Thêm vào đó, Hà Nội lại chưa định vị được những giá trị đặc trưng để tạo ra các sản phẩm du lịch "đặc sản". Trong khi Quảng Ninh có lễ hội Carnaval Hạ Long, Huế thì có Festival Huế, hay Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế, Đà Lạt có Festival Hoa... Dù những địa phương này chưa có những điều kiện thuận lợi bằng Hà Nội nhưng ngành du lịch của họ vẫn tạo được những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn, trở thành "đặc sản" riêng.
Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý và kinh doanh du lịch, lượng khách vào Hà Nội đang ít hơn khách của Hà Nội đi các vùng. Vào các ngày nghỉ lễ, ngay cả người Hà Nội cũng thích "bỏ phố về quê", nói gì đến người dân ở các tỉnh và du khách quốc tế không muốn đến Hà Nội. Bởi vậy, Hà Nội vẫn là trạm "trung chuyển" chứ chưa phải là điểm đến thực sự.
Trở thành điểm đến đẳng cấp
Với việc hoàn thành Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực. Phó Giám đốc Sở VH, TT& DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, để làm được điều đó cần có chiến lược khai thác nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn một cách hợp lý, có lộ trình, các sản phẩm du lịch cũng phải được nâng lên một tầm cao hơn. Đã đến lúc, không thể chào bán những tour, tuyến, dịch vụ… mộc mạc, đơn giản mà phải vừa độc đáo vừa có chất lượng cao. "Không nên xây dựng tràn lan, đại trà mà cần tập trung vào sản phẩm có chất lượng. Sản phẩm phải cao cấp mới hấp dẫn khách du lịch. Điều đặc biệt là các sản phẩm du lịch của Hà Nội phải gắn liền với văn hóa của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến", ông Trương Minh Tiến bày tỏ quan điểm.
Trong Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô tập trung phát triển 6 cụm du lịch: Trung tâm Hà Nội, khu vực Sơn Tây - Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa, Hà Đông và phụ cận với việc xây dựng các sản phẩm du lịch chính như: du lịch văn hóa, tâm linh, ẩm thực, làng nghề, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí… Theo đó, trung tâm Hà Nội sẽ phát triển thành khu vực đi bộ và hoạt động giải trí về đêm theo hình thức mỗi tuyến phố phục vụ một loại hình như quán bar, phố ẩm thực... Còn ở ngoại thành, các khu vui chơi giải trí sẽ được đầu tư phát triển ở quy mô lớn cấp vùng, với những trò chơi hiện đại lồng ghép những trò chơi dân gian cho mọi đối tượng, lứa tuổi. Cùng với đó, Hà Nội còn hướng tới xây dựng phát triển hai vành đai du lịch sông Hồng, sông Đáy với sản phẩm chính là du lịch sinh thái.
Du lịch văn hóa, tâm linh sẽ được Hà Nội chú trọng. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Trương Minh Tiến khẳng định, muốn "níu chân" du khách ở lại lâu hơn, để họ chi tiêu nhiều hơn cho du lịch tại Thủ đô, song hành với việc nâng cấp chất lượng dịch vụ, ngành du lịch sẽ phải đầu tư hơn nữa cho việc phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, thông qua việc đẩy mạnh phong trào người Hà Nội thanh lịch - văn minh, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng để giáo dục văn hóa du lịch, xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng chèo kéo, bắt chẹt khách… Với những giải pháp đó, hy vọng Hà Nội không chỉ là điểm đến thân thiện mà còn có sức hút với du khách trong và ngoài nước nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, du lịch Hà Nội sẽ đón được 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón được 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 26,8 triệu lượt khách nội địa.
Cơ hội quảng bá du lịch Thủ đô
Thu Trang |