Không tán thành việc chuyển đổi công tác người có dấu hiệu tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 17:20, 02/11/2012
Ngay cả với những vấn đề được đưa ra sửa đổi trong dự thảo luật, các đại biểu cũng cho rằng, các quy định này vẫn thiếu cụ thể, chưa khắc phục được những hạn chế, yếu kém, bất cập qua 5 năm thực hiện luật phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành. Mục tiêu sửa đổi luật là nhằm khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu, nên cần phải có cơ chế vận hành thật cụ thể thì luật mới có thể đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả của các chế định pháp luật.
“Tham nhũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể chế, con người, góc độ quản lý, thực thi chức trách… Muốn đạt đến sự hoàn thiện chung thì cần phải đi theo hướng hoàn thiện thể chế”, đại biểu Lê Đông Phong – TP. Hồ Chí Minh nói.
Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo – Hà Nội, dự luật PCTN nên tách bạch 2 mảng: phòng và chống tham nhũng. Chống tham nhũng đã được quy định rõ trong luật hình sự và hành chính, nhưng nội dung phòng thì chưa đầy đủ. Để bổ sung, theo ông, luật nên tập trung vào 2 nội dung: quy định việc kê khai tài sản theo hướng thực chất, nêu rõ nguồn gốc tài sản và việc xác minh, thẩm tra tài sản phải chặt chẽ, gắn với cơ chế chịu trách nhiệm.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh -TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất, dự luật phải làm rõ nội hàm của tham nhũng là gì, người có chức vụ là ai, có phải do nhà nước bổ nhiệm hay không...
Đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội đề nghị, dự luật cần chi tiết hơn, hạn chế thấp nhất việc giao Chính phủ quy định, làm sao để khi được ban hành, luật có thể đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả ngay.
Đại biểu Đỗ Kim Tuyến – Hà Nội lưu ý, luật này điều chỉnh nhiều luật khác có liên quan như thực hành tiết kiệm, đấu thầu, ngân sách, đầu tư... nên khi sửa đổi, cần phải sửa đổi những luật khác cho thống nhất và đồng bộ.
Đặc biệt, các đại biểu nhận xét, cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu, một trong những nội dung quan trọng hàng đầu, cũng chưa được làm rõ trong dự thảo luật. Thêm vào đó, dự luật quy định, khi phát hiện hành vi tham nhũng, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm giải trình nhưng lại không yêu cầu căn cứ, không đề ra quy định giải trình.
“Luật phải quy định thế nào để vừa phát huy trách nhiệm kiểm tra của người đứng đầu, đồng thời cũng phải nghiêm khắc xử lý họ nếu có hành vi bao che, tạo điều kiện cho tham nhũng. Người đứng đầu cần được khen ngợi, biểu dương nếu như phát hiện được tham nhũng tại cơ quan của mình, nhưng nếu tham gia hành vi tham nhũng hoặc bao che, trù dập người tố cáo thì phải xử lý”, đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh nói
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội cũng chung nhận định, việc xác định trách nhiệm người đứng đầu trong dự luật “rất không ổn”, chưa làm rõ người đứng đầu là ai, liên đới với người đứng đầu ra sao. Theo ông, quy định như dự thảo thì những người giữ chức vụ từ cấp phó vụ trưởng trở lên gần như là “vô can”.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, có tách bạch rõ ràng trách nhiệm cá nhân thì việc xử lý và PCTN mới hiệu quả. Bà lấy ví dụ, ở một số bộ, ngành, đơn vị để xảy ra sai phạm thời gian qua, các lãnh đạo đều khẳng định họ đã làm đúng quy trình, vậy tại sao vẫn cho ra “sản phẩm” sai?
“Tôi đưa anh lúa, anh phải làm rõ ra gạo, trấu, cám. Sao làm đúng quy trình mà vẫn ra sản phẩm sai? Phải kỷ luật những người trong ngành”, đại biểu An nói.
Về đối tượng điều chỉnh của dự luật, đa số các đại biểu nhất trí, dự luật trước tiên tập trung điều chỉnh đối tượng là cán bộ, công chức Nhà nước và Đảng viên, chưa nên mở rộng sang các đối tượng khác trong khi điều kiện quản lý hiện nay chưa đáp ứng được.
“Tôi tán thành việc giữ nguyên đối tượng điều chỉnh của luật, quan trọng là phải quy định cơ chế vận hành”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.
Vấn đề “nóng” nhất là kê khai, công khai tài sản được nhiều đại biểu góp ý.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận xét, việc kê khai tài sản thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, không đạt yêu cầu đề ra. Kê khai tài sản liên quan đến chế định kiểm soát tài sản nhưng theo ông, chúng ta chưa tìm được chế định để kiểm soát được tài sản của mọi đối tượng trong xã hội.
“Nếu không kiểm soát được thu nhập, tài sản thì chống tham nhũng rất khó và không hiệu quả”, đại biểu Quyền nói.
Đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội cho rằng, không nên nặng tư tưởng chỉ người có vị trí, chức vụ thì mới tham nhũng và mới cần phải kê khai tài sản. Theo ông, nếu việc kê khai được tiến hành trong toàn dân là tốt nhất, khi đó, mỗi công dân sẽ có một mã số và khi truy cập mã số đó, sẽ có đủ thông tin. Nhưng hiện nay, khi chưa làm được việc này thì đối tượng quy định trong dự luật là phù hợp.
Đại biểu Lê Đông Phong cũng nhất trí, việc kê khai, minh bạch tài sản nên mở rộng diện kê khai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, nhưng cũng cần chú ý kiểm soát để tránh việc cá nhân lợi dụng kê khai để phô trương, khoe tài sản.
Về công khai bản kê khai tài sản, đa số các đại biểu tán thành, trong điều kiện hiện nay, chỉ nên công khai tại nơi công tác. Về lâu dài, khi có đủ năng lực quản lý, có thể mở rộng phạm vi công khai, bởi thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc tham nhũng hiện nay đều do quần chúng nhân dân nhân dân phát hiện, nên càng công khai để dân biết thì càng dễ phát hiện tham nhũng hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hưng – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc công khai ở nơi cư trú cần có lộ trình, thời gian để triển khai, nếu làm không cẩn thận có khi mang lại tác dụng ngược. Ngoài ra, việc thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tài sản của người kê khai cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ.
Liên quan đến nội dung chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, viên chức khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, đa số đại biểu tán thành việc tạm đình chỉ công tác, nhưng không nhất trí việc điều chuyển, vì như vậy khiến dân bức xúc và là kẽ hở để tránh bị xử lý.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang tắc ở khâu điều chuyển cán bộ vì luật hiện hành không quy định cụ thể việc xác định vị trí chuyển đổi cho phù hợp, thời gian chuyển đổi của các đối tượng lại được quy định giống nhau mà không tính đến đặc thù công việc....
“Đã có dấu hiệu tham nhũng là phải tạm đình chỉ công tác. Nhưng nếu oan thì nhà nước phải bồi thường và phục hồi vị trí công tác, dự luật quy định còn yếu và thiếu những điểm này”, đại biểu Quyền nói.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, dự luật cũng cần quy định rõ thời gian tạm đình chỉ để tránh gây mất ổn định.