Lờ mờ trách nhiệm, nhập nhằng phân cấp
Giáo dục - Ngày đăng : 05:44, 02/11/2012
Dự thảo quy định về quản lý DTHT do Sở GD-ĐT xây dựng gồm 6 chương với 23 điều quy định đối tượng áp dụng, nguyên tắc DTHT, việc thu và quản lý tiền DTHT, những yêu cầu đối với tổ chức, người DTHT, thẩm quyền cấp phép, kiểm tra, xử lý vi phạm… So với Thông tư 17/2012/BGDĐT, dự thảo quy định của Sở GD-ĐT có một số nội dung cụ thể hơn. Chẳng hạn quy định rõ sĩ số lớp học thêm không quá 45 HS; thời lượng DTHT đối với từng đối tượng HS (tiểu học không quá 2 tiết/buổi, không quá 2 buổi/tuần; THCS không quá 2 tiết/buổi, không quá 3 buổi/tuần; THPT không quá 3 tiết/buổi, không quá 3 buổi/tuần).
Dự thảo quy định về dạy thêm học thêm sẽ hạn chế những bức xúc của phụ huynh cũng như xã hội. Ảnh: Bảo Lâm
Dự thảo cũng chỉ ra 2 trường hợp được miễn cấp giấy phép DTHT, gồm: các hoạt động dạy học được bố trí trong các buổi học tại trường không thu tiền (dạy bù, ôn thi, phụ đạo…) và các lớp dạy từ thiện.
Tuy vậy, để quản lý hiệu quả DTHT - hoạt động vốn phức tạp và gây nhiều bức xúc trong suốt thời gian qua, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý giáo dục, việc xác định rõ khái niệm đâu là DTHT trong nhà trường, đâu là DTHT ngoài nhà trường rất quan trọng. Theo dự thảo nói trên, phạm vi của hoạt động DTHT trong và ngoài nhà trường chưa rành mạch. Dự thảo quy định DTHT trong nhà trường là DTHT do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm ngoại ngữ, tin học) tổ chức. Khái niệm này được "bê" nguyên si từ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và rõ ràng là thiếu hợp lý. Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng là loại hình giáo dục phi chính quy; trung tâm ngoại ngữ, tin học… không phải là cơ sở giáo dục công lập. Nếu các cơ sở này cùng nằm trong phạm vi quản lý DTHT trong nhà trường thì công tác này sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí không kiểm soát được.
Nhập nhằng phân cấp
Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cho rằng việc sớm ban hành quy định về quản lý DTHT là cần thiết với yêu cầu thực tiễn quản lý hiện nay. Tuy nhiên, quy định phải làm rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT, có như vậy mới có thể kiểm soát chặt việc DTHT sai quy định. Theo dự thảo, Sở GD-ĐT cấp phép DTHT cho các trường hợp tổ chức DTHT chương trình (CT) THPT hoặc thuộc nhiều CT nhưng có CT cao nhất là THPT. Tương tự, phòng GD-ĐT cấp phép cho các trường hợp tổ chức DTHT có nội dung thuộc CT tiểu học, THCS hoặc thuộc nhiều CT nhưng có CT cao nhất là THCS. Rõ ràng, các cơ sở sẽ không quá khó khăn để có thể biến tướng, cho ra đời những trung tâm dạng như bồi dưỡng văn hóa. Để lách luật, các cơ sở này sẽ xin Sở GD-ĐT cấp phép tổ chức DTHT nhiều CT, trong đó có CT cao nhất là THPT. Theo quy định, đơn vị nào cấp phép thì mới có quyền kiểm tra, thu hồi giấy phép nếu sai phạm. Rõ ràng, việc kiểm soát, quản lý đối tượng dạy, học và nội dung chương trình đối với các cấp học dưới THPT (tiểu học, THCS) tại các cơ sở này khó có thể chặt chẽ. Nếu không quy định cơ chế phối hợp giám sát với chính quyền sở tại thì cấp phòng GD-ĐT, nếu biết có sai phạm cũng chẳng thể làm gì.
Đa số ý kiến góp ý dự thảo quy định nên khẳng định rõ hơn nữa vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng, đặc biệt là với hoạt động DTHT ngoài nhà trường. Đây là điều không được đề cập trong Thông tư mới của Bộ GD-ĐT, song từ những bức xúc về DTHT cho thấy, đó là đòi hỏi cấp thiết. Theo ý kiến của đại diện lãnh đạo các phòng GD-ĐT, không nên cho rằng việc kiểm tra, quản lý DTHT ngoài nhà trường của hiệu trưởng là bất khả thi. Thực tế, dù phòng GD-ĐT cấp phép, song cũng không thể "vươn tay" kiểm tra hết hàng nghìn giáo viên trên địa bàn. Trong khi đó, các hiệu trưởng đều nằm trong hội đồng giáo dục tại địa phương, là người rõ nhất về từng giáo viên của mình, vì vậy không thể thoái thác trách nhiệm. Muốn dẹp "nạn" DTHT, nhiều ý kiến còn cho rằng cần quy định mức trần tiền DTHT đối với DTHT trong và ngoài nhà trường, không để mỗi nơi thu một kiểu, dẫn đến tình trạng loạn thu; xây dựng chế tài, mức xử phạt cụ thể, nghiêm khắc, đủ sức răn đe, tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"; ban hành quy chế phối hợp, mức kinh phí quản lý cho lực lượng liên ngành làm công tác kiểm tra, giám sát hoạt động này.