Tử hình bằng thuốc độc: Không chỉ khó khăn về nguồn thuốc
Đời sống - Ngày đăng : 17:08, 01/11/2012
Vấn đề thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được các đại biểu đề cập đến trong phiên thảo luận về các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án ngày 1/11.
Từ con số 508 người bị kết án tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thi hành được do chưa mua được thuốc độc, đại biểu Huỳnh Nghĩa – Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc trình dự án luật để Quốc hội xem xét thông qua trên cơ sở đảm bảo đủ điều kiện thi hành khi luật có hiệu lực, tránh tình trạnh bế tắc như Luật Thi hành án hình sự hiện nay. Đồng thời, trong khi chờ nguồn thuốc độc, Quốc hội nên cho phép tạm thời tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn.
Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Công Lý - Bình Định cũng đề nghị, cần nhanh chóng thống nhất loại thuốc tiêm để có thể triển khai việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, tránh việc để tồn đọng kéo dài một số lượng án tử hình, gây trở ngại cho cơ quan công an giam giữ.
Cả hai đại biểu Nghĩa và Lý đều đề xuất, Quốc hội, Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp nghiên cứu để tự sản xuất thuốc và phục vụ sớm cho công tác thi hành án trong năm sau. Đồng thời phải có biện pháp quản lý tử tội chặt chẽ, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình
Chia sẻ về sự chậm trễ này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc hiện không phải chỉ có khó khăn về nguồn thuốc mà còn nhiều khó khăn khác. Cụ thể là việc vận chuyển đối tượng thi hành án đến nơi có khả năng thi hành án là rất rủi ro, vì hầu hết các tử tù đều là tội phạm có tổ chức, nên việc đánh tháo tù nhân trên đường dẫn giải rất dễ xảy ra. Mặt khác, khi thi hành án, theo quy định pháp luật phải có nhiều cơ quan chức năng tham gia, chứng kiến… Ngay nếu tự sản xuất thuốc trong nước, chúng ta cũng vẫn phải nhập nguyên liệu.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã tiếp thu các góp ý của Quốc hội về báo cáo của ngành.
Đáng chú ý, về việc tranh tụng trước tòa, ông cho biết, năm qua, trong tổng số hơn 90.000 vụ án được giải quyết, chỉ có hơn 7.000 vụ có luật sư tham gia, chiếm 9%, trong đó đến 5% là luật sư chỉ định. Ở các vùng sâu, vùng xa, các phiên tòa gần như không có luật sư tham gia.
Thực trạng này theo Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao có nguyên nhân là do nước ta vẫn còn thiếu luật sư, tâm lý thuê luật sư chưa phổ biến trong nhân dân và không phải ai cũng có điều kiện thuê luật sư. Chính vì vậy, rất khó thu hút luật sư tham gia vào các vụ án.