Thiếu chế tài đủ mạnh
Đời sống - Ngày đăng : 07:46, 01/11/2012
Lao động Việt Nam làm việc tại một xưởng sản xuất đồ nội thất ở Hàn Quốc. Ảnh: V. Hà
Tính đến nay có khoảng hơn 11.000 LĐVN ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp. Theo thỏa thuận, cuối tháng 8-2012, Việt Nam ký tiếp gia hạn thỏa thuận (cứ 2 năm gia hạn một lần). Tuy nhiên, vì số lao động cư trú bất hợp pháp quá lớn nên phía bạn đề nghị tạm hoãn việc ký kết để hai bên cùng thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (CQLLĐNN), Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng lao động cư trú bất hợp pháp. Biện pháp được xem là khả dĩ nhất mà Việt Nam làm được hiện nay là tuyên truyền tư vấn tại các địa phương với những gia đình có lao động đã hết hạn nhưng không về nước, hoặc những người đang ở Hàn Quốc chuẩn bị hết hạn hợp đồng… để tạo dư luận, khiến NLĐ hiểu nếu trốn tránh sẽ ảnh hưởng đến những người đang có nhu cầu đi XKLĐ khác. Chẳng hạn, những xã, huyện có nhiều lao động trốn không về nước đúng hạn thì những NLĐ khác của xã, huyện đó không được đăng ký đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo các địa phương đặc biệt là các tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao phải ban hành các chỉ thị, biện pháp để đưa NLĐ về nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, Việt Nam chưa có chế tài để ràng buộc trách nhiệm của NLĐ không về nước đúng hạn. Việt Nam cũng đã thảo luận với Hàn Quốc những biện pháp ràng buộc như: yêu cầu NLĐ gửi lương về một tài khoản tên của họ nhưng đến lúc về nước mới được rút hoặc NLĐ phải ký quỹ bảo lãnh trước khi đi XKLĐ… Tuy nhiên, phía Hàn Quốc không đồng ý với những đề nghị nêu trên vì về mặt nguyên tắc là không phù hợp với chính sách của họ. Hàn Quốc chỉ có thể khuyến khích NLĐ bằng cách: NLĐ về nước đúng thời hạn thì được tham gia kiểm tra tiếng Hàn thường kỳ hàng quý trên máy tính, thuận lợi, đơn giản và sẽ được giới thiệu tới những người sử dụng lao động tiếp nhận. Với những lao động mà Hàn Quốc đánh giá là lao động trung thành trong suốt thời gian làm việc, chỉ làm cho một chủ DN, về nước đúng thời hạn thì về nước xong, lại được sang Hàn Quốc mà không phải qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn.
Khi được hỏi liệu trong một hai năm nữa nếu không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn thì liệu Hàn Quốc có đóng cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định chắc chắn là bằng mọi cách phải giảm số lượng lao động cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, cùng thời điểm này năm 2011, số lượng lao động cư trú bất hợp pháp chỉ khoảng gần 8.000 người, nay đã tăng lên gần 11.000 người. Như vậy, thời gian trôi đi tỷ lệ thuận với con số lao động Việt Nam không chịu về nước đúng hạn. Trong khi đó, biện pháp duy nhất mới chỉ là tuyên truyền, vận động, các biện pháp khác vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Và gần 10.000 lao động tại Việt Nam đang bị "ứ đọng" vẫn phải chờ đợi để được đi. Mới đây, tại Hà Nội, lần đầu tiên Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức hội chợ việc làm dành cho những lao động đi làm việc Hàn Quốc trở về với mong muốn phần nào giúp NLĐ tìm việc dễ dàng hơn. Đây cũng là biện pháp để kêu gọi NLĐ tự nguyện về nước khi hết thời hạn hợp đồng.
Các cơ quan liên quan là Cục QLLĐNN và Trung tâm Lao động ngoài nước đã có những động thái nhằm ngăn chặn lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và kêu gọi họ trở về nước đúng hạn. Tuy nhiên, các biện pháp đưa ra chưa đủ mạnh để kéo lao động Việt Nam trở về nước đúng hạn và cống hiến những kỹ năng tay nghề đã học hỏi và làm việc ở nước bạn cho nước nhà.