Tổng cục TDTT yêu cầu VFF kiểm tra doping

Thể thao - Ngày đăng : 07:43, 01/11/2012

(HNM) - Tổng cục TDTT đã có những động thái mạnh trong việc phòng, chống sử dụng chất kích thích (doping) thể hiện qua việc ngày 30-10 gửi công văn tới LĐBĐ Việt Nam (VFF) yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra doping trong mùa giải tới. Tuy nhiên, hành động được đánh giá là cần thiết này chẳng lẽ chỉ áp dụng với bóng đá?

Các cầu thủ sẽ phải kiểm tra doping từ mùa giải 2013. Ảnh: Minh Hoàng

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng cục TDTT đề nghị VFF mạnh tay với việc sử dụng chất kích thích trong giới cầu thủ. Mới đây, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định quyết tâm bài trừ doping trong làng thể thao nước nhà. Trước đó, hình ảnh phản cảm của trung vệ Huy Hoàng (Sông Lam Nghệ An) đã làm dậy sóng không chỉ trong giới thể thao mà cả ngoài dư luận xã hội. Sau chuyện này, người ta mới "té ngửa" khi biết rằng cả mùa giải 2012, không một cầu thủ nào ở V.League, chứ đừng kể tới giải hạng nhất, bị kiểm tra doping. Những năm trước đó, VFF cũng làm việc này nhưng chỉ là làm cho có. Chính vì vậy, cầu thủ bóng đá là đối tượng được nhắc đến nhiều nhất trong những câu chuyện "bay đêm". Với một môn thể thao được hâm mộ bậc nhất như bóng đá, kiểm tra doping là việc phải làm, dù tốn kém.

Nhưng thể thao Việt Nam không chỉ có bóng đá. Còn rất nhiều môn thể thao khác mà doping cũng có thể giúp VĐV nâng cao thành tích. Cùng với thành tích "ảo" là biết bao quyền lợi. Không ngoa khi cho rằng, kiểm tra doping là khoảng trắng chết người ở các giải quốc nội của các môn thể thao thành tích cao tại Việt Nam. Không thử doping nên các HLV, VĐV có thể mặc sức sử dụng chất kích thích, kể cả loại dễ phát hiện nhất. Điều nguy hiểm này không chỉ chặn bước tiến của các VĐV thật sự có tài mà còn gây lãng phí trầm trọng ngân sách nhà nước. Nếu đem so sánh, chưa chắc số tiết kiệm được từ chuyện không kiểm tra doping đã ít hơn kinh phí phải trả cho những VĐV lên đội tuyển quốc gia bằng thành tích "ảo". Với những VĐV này, khả năng đạt thành tích cao tại các giải quốc tế rất ít khi khâu kiểm tra doping được thực hiện nghiêm ngặt.

Năm 2010, ngành thể thao đã "cắn răng" bỏ tiền xét nghiệm 30 mẫu thử doping tại ĐH TDTT toàn quốc. Một trong số đó (VĐV cử tạ Ngô Thị Hạnh - Hà Tĩnh) đã cho kết quả dương tính. Nếu kỳ ĐH ấy có nhiều mẫu thử hơn, con số "dính" doping có lẽ không chỉ có thế. Vì Trung tâm Xét nghiệm doping ở Việt Nam vẫn chưa đi vào hoạt động nên phải gửi ra nước ngoài xét nghiệm, khá tốn kém (ít nhất là 300 USD/mẫu thử ở Trung Quốc). Chính khó khăn này đã hạn chế đáng kể việc đấu tranh chống chất kích thích trong thể thao Việt Nam.

Những môn ngoài bóng đá mới là những môn làm cho thể thao Việt Nam được biết đến ở các giải thế giới, Olympic, ASIAD và SEA Games nên công tác phòng, chống doping những môn này càng cần được coi trọng. Thế nên, chỉ đạo của Tổng cục TDTT về việc kiểm tra doping với bóng đá là chưa đủ.
Tổng cục Thể dục Thể thao yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp trình Bộ VH,TT&DL phê duyệt để áp dụng từ mùa giải 2013 theo hướng: Giảm số lượng cầu thủ ngoại thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để tạo điều kiện cho các cầu thủ nội có cơ hội thi đấu, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế; quy định cụ thể và tăng nặng các chế tài xử phạt các hành vi thi đấu bạo lực, thiếu văn hóa, sử dụng doping, chất bị cấm của cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài...

Thùy An