Bi kịch của vòng xoáy kim tiền
Bất động sản - Ngày đăng : 07:26, 01/11/2012
Khơi thông thị trường bất động sản vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ảnh: Minh Nguyễn |
Lãi suất "khủng" mà BĐS đem lại đã làm cho nhiều người mất tỉnh táo. Họ sẵn sàng huy động vốn với lãi suất cao, ném tiền đầu tư vào những dự án mà tính pháp lý của nó còn rất mù mờ. Điển hình như dự án nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ Hà Nội đã bị một doanh nghiệp tự nhận là chủ đầu tư huy động hàng trăm tỷ đồng của người dân. Trong đó, có những người ký hợp đồng góp vốn hàng chục tỷ đồng. Tại sao người ta có thể giao tiền dễ dãi như vậy? Ngoài những lời hứa hẹn và cả những thứ giấy tờ có nội dung không rõ ràng giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp, chắc chắn một điều mức giá chào bán thấp hơn thị trường mang lại lợi nhuận lớn cũng là lý do chính làm nhiều người mờ mắt. Những người liên quan đã bị công an tạm giữ để điều tra, song những khoản tiền hàng trăm tỷ đồng kia không biết đang nằm ở đâu và liệu có thu hồi được không?
Đó là những vụ việc mang tính chất hình sự, còn những vụ việc đơn thuần dân sự như anh góp vốn cho tôi đầu tư dự án A, B, C nào đó, đổi lại, tôi cam kết sẽ bán cho anh căn hộ tại dự án đó khi đủ điều kiện thì nhiều vô kể. Quả thật, ở thời kỳ đỉnh cao, với mức lợi nhuận lên tới cả 100%, chỉ cần một suất mua căn hộ chung cư, dù dự án vẫn ở trên giấy chưa thấy hình hài, có thể cầm chắc khoản lãi suất không nhỏ. Nhiều người giàu nhanh nhờ mua đi bán lại dự án hay môi giới giữa "nhà đầu tư" này với "nhà đầu cơ" kia để hưởng chênh lệch. Tại Hà Nội, những năm 2007 đến 2010, có thể gọi là "thời đại" người người buôn BĐS, nhà nhà bán BĐS. Cũng như thị trường chứng khoán một thời chao đảo bao nhiêu người, thị trường BĐS quay ngoắt 180 độ bất ngờ "đông cứng" đã khiến không ít người ngả nghiêng theo khi lãi suất ngân hàng lên từng ngày. Những khoản huy động ngoài ngân hàng "lãi mẹ đẻ lãi con" trong khi biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư không bán được. Chấp nhận mất lãi, thậm chí lỗ chỉ để thu hồi lại vốn cũng vô cùng khó. Lúc này, chủ dự án thay vì được săn đón, xin xỏ một suất biệt thự, nhà liền kề hay căn hộ chung cư bỗng trở thành những con nợ và cũng là chủ nợ. Nợ ngân hàng, nợ đối tác góp vốn cùng làm ăn và bị khách hàng nợ thanh toán theo tiến độ dự án.
Trăm kiểu đòi nợ và cũng có trăm kiểu tránh nợ. Chủ dự án bị khách hàng chậm thanh toán khi đến hạn thì dọa thu hồi lại nhà để bán cho người khác, rồi tính lãi suất chậm nộp… Người mua thì phản ứng với chủ dự án, nhưng số đông thì sẵn sàng trả lại nhà để lấy lại tiền đã nộp, chấp nhận mất khoản "chênh" không nhỏ khi mua. Ngược lại, ông chủ những dự án trên giấy thì bị người góp vốn đến đòi lại tiền do không bảo đảm tiến độ dự án. Một người đòi không được thì hàng chục, hàng trăm người cùng liên kết lại để đòi tiền. Họ lập cả blog, facebook để kêu gọi nhau cùng liên kết và lên kế hoạch… đòi tiền. Đa phần những trường hợp này cũng chỉ nhận được lời cam kết sẽ thanh toán khi có tiền. Cán bộ một văn phòng BĐS có dự án kiểu này thẳng thắn thừa nhận rằng rất khó thanh toán vì dự án "bí" đầu ra. "Bây giờ dự án nào hạch toán cho dự án đó, có tiền sẽ thanh toán ngay, nhưng nói thật trong hàng chục khách hàng đòi lại vốn chúng tôi mới chỉ thanh toán được cho một khách hàng đang lâm bệnh nặng. Nhưng, cũng phải thanh toán vài đợt" - cán bộ này nói.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, vấn đề của thị trường BĐS là sự ách tắc của dòng tiền, tức là sản phẩm không bán được, dòng tiền đổ vào BĐS đang bị chôn chặt. Sự phát triển "nóng" của thị trường này thời gian qua đã kéo theo sự hình thành ồ ạt doanh nghiệp BĐS, trong đó khá nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, yếu về tài chính. Những doanh nghiệp này thường phải vay vốn từ ngân hàng và huy động vốn trong dân cùng lúc nhiều dự án, huy động từ dự án này cho dự án khác. Trong trường hợp thị trường đóng băng, sản phẩm không tiêu thụ được đồng nghĩa với việc dòng tiền cũng không thể luân chuyển được. Con số thực tế lượng hàng ế trong BĐS cần phải điều tra, rà soát, song ước lượng số tiền chôn trong BĐS rất lớn. Hệ lụy khi thị trường BĐS đóng băng là hàng loạt ngành sản xuất đình trệ, lao động mất việc làm, ngân hàng đối mặt nguy cơ nợ xấu gia tăng. Nhưng, khơi thông thị trường BĐS đến nay vẫn là việc khó, chưa tìm được cách giải.