Không chỉ là có thêm chút tiền…

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 01/11/2012

(HNM) - Sáng qua (31-10), trong phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định thông tin sẽ tăng lương tối thiểu lên mức 1,15 triệu đồng kể từ tháng 7-2013.


So với mức điều chỉnh lương tối thiểu dự kiến trước đây (từ 1,05 triệu lên 1,3 triệu đồng), mức tăng nói trên chưa làm thỏa mãn đa số người lao động, nhưng dù gì vẫn là tin vui so với trước đó một tuần, khi có thông tin mức thu ngân sách hiện không cho phép thực hiện việc điều chỉnh lương.

Thực ra, khoản "dôi dư" từ lương tối thiểu khi thực hiện việc điều chỉnh nói trên chỉ là 100.000 đồng, không nhiều nhặn gì so với điều kiện hiện nay. Đã có nhiều thông tin đáng lo ngại trong những ngày qua, liên quan đến việc quản lý giá xăng dầu, thu phí đường bộ, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho… gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân. Trong điều kiện nền kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, người dân đang phải chắt bóp, giảm chi, mức điều chỉnh nói trên không giúp họ cải thiện triệt để về điều kiện sống. Trong bối cảnh ấy, hơn bao giờ hết, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội trở thành mục tiêu quan trọng cần hướng tới.

Trong thời gian qua, bên cạnh giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt được một số kết quả quan trọng: Chính sách không ngừng được hoàn thiện, đối tượng hưởng chính sách được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội... Báo cáo của Chính phủ vừa qua cho thấy có một số việc tiến triển khả quan, chẳng hạn như con số lao động có việc làm trong 9 tháng đã tăng 0,27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong 8 tháng năm 2012 đã có hơn 345,5 nghìn người đăng ký thất nghiệp, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2011…

Trên phạm vi thế giới có sự hiểu khác nhau về khái niệm an sinh xã hội, dù về cơ bản thì đó là sự bảo đảm thực hiện các quyền con người cơ bản khi có rủi ro như thất nghiệp, thiên tai, già yếu… Theo nghĩa hẹp hơn, đó là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện sinh sống thiết yếu cho người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập, cho người già cô đơn, người tàn tật, người nghèo, trẻ em mồ côi… Dù là nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì an sinh xã hội, dựa trên một cấu trúc cơ bản gồm có bảo hiểm xã hội, trợ cấp gia đình, trợ cấp xã hội, hệ thống dịch vụ công, các quỹ tiết kiệm… không chỉ gồm việc bảo đảm cho các thành viên xã hội có được một khoản thu nhập nhất định ngay cả khi họ không có điều kiện và cơ hội đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, ngoài việc thực hiện các khoản chi trả theo luật định, thúc đẩy hoạt động của các loại quỹ, bảo đảm an sinh xã hội còn cần tới sự trợ giúp khác nữa nhằm cải thiện môi trường sống, môi trường xã hội, quyền được tiếp cận với các dịch vụ xã hội một cách công bằng… Thời gian qua, hàng hóa tăng giá, diễn biến xấu về môi trường, đầu tư và cuộc sống, sự u ám trong chất lượng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả - kém chất lượng, yếu kém về quản lý đất đai, khó khăn và chậm chạp trong xây dựng quỹ nhà ở thu nhập thấp… đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng xấu tới công tác bảo đảm an sinh xã hội. Điều gì xảy ra khi nhiều thành viên xã hội vốn đã phải vật vã với khoản thu - trợ cấp ít ỏi lại phải đối mặt với sự tiêu hao vô ích nguồn thu ấy vào hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng hóa độc hại hay hệ thống dịch vụ công không bảo đảm tiện ích?

Bởi vậy, bên những giải pháp như điều chỉnh mức thu nhập, tạo thêm việc làm, nâng cao năng lực điều hành phát triển kinh tế - xã hội, điều cần lúc này là đẩy mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp bổ trợ nhằm tạo cho công tác ấy có sự chuyển biến về chất.

Dục Tú