Chính phủ sẽ cắt giảm nhiều khoản chi để có nguồn tăng lương
Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 01/11/2012
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách sụt giảm đáng kể do Chính phủ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường và người dân thông qua các chính sách giãn, giảm thuế, việc điều chỉnh tăng lương cơ bản dự kiến áp dụng trong năm 2013 dường như khó có thể thực hiện. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, sau khi tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính trình phương án tăng lương để QH xem xét tại kỳ họp này. Phương án khái quát là tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho khoảng 8 triệu người là cán bộ, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công ở mức 100.000 đồng/người/tháng và thực hiện trong 6 tháng, bắt đầu từ 1-7-2013. Tổng kinh phí để tăng lương theo mức này hơn 21.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách TƯ lo 18.400 tỷ đồng và ngân sách địa phương 3.300 tỷ đồng. Như vậy, để có nguồn tăng lương bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm các khoản chi tiêu. Dự kiến Chính phủ sẽ báo cáo QH xem xét quyết định giảm mức đầu tư công; đồng thời trình QH cho phép phát hành trái phiếu chính phủ năm 2013 ở mức 55.000-60.000 tỷ đồng. Ngoài ra Chính phủ sẽ tiết kiệm chi ngân sách TƯ 10% (khoảng 1.600 tỷ đồng), giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng xuống còn 73.200 tỷ đồng...
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam
Bên cạnh vấn đề tăng lương, nhiều thông tin liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, một trong những "điểm nóng" của dư luận thời gian gần đây cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình làm rõ. Theo Thống đốc, thời gian qua, do bất ổn của kinh tế thế giới và trong nước, giá vàng thế giới đã tăng cao và giá trong nước cũng có nhiều biến động thất thường. Tình trạng vàng hóa của nền kinh tế đã được đẩy lên rất cao. Ước tính trong nền kinh tế nước ta có khoảng 300-400 tấn vàng (tương đương 15-20 tỷ USD) không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý mọi hoạt động SXKD vàng và Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng, đã không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây. Mặc dù giá vàng biến động lớn, nhưng tỷ giá của chúng ta hoàn toàn ổn định, Ngân hàng Nhà nước vẫn mua được ngoại tệ để tăng thêm dự trữ ngoại hối nhà nước. Từ tháng 5-2012 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng từ nền kinh tế. Như vậy, đã có 60 tấn vàng được chuyển đổi từ vàng sang tiền để phục vụ cho phát triển KT-XH.
Nhờ vậy mà chúng ta có được thanh khoản của nền kinh tế, cải thiện được thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, giảm được lãi suất. Tuy nhiên, người đứng đầu hệ thống ngân hàng cũng nhận khuyết điểm trước Quốc hội là vẫn còn có một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng và cho biết sẽ có giải pháp phù hợp để từng bước tháo gỡ.
Trước dự báo kinh tế năm 2013 dự kiến sẽ còn không ít khó khăn, thách thức, việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước trong năm tới sao cho phù hợp không hề đơn giản. Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu), mặc dù nền kinh tế sẽ diễn biến khó lường, tiềm lực tài chính của Nhà nước còn mỏng, nhưng việc xem xét giãn, giảm thuế với DN vẫn cần được lưu tâm nhằm bồi dưỡng nguồn thu. Đại biểu Bùi Đức Thụ cũng đề xuất Chính phủ đặc biệt lưu tâm vấn đề cải cách lương cho người đã nghỉ hưu, các đối tượng chính sách, người có công và hỗ trợ những đối tượng đang hưởng lương ở mức thấp.
Để thực hiện điều này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, cần siết chặt kỷ luật tài khóa để tránh lãng phí nguồn vốn ngân sách. Cụ thể, phải nghiêm khắc với tất cả các khoản chi vượt dự toán, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thực hiện nghiêm kết luận của cơ quan kiểm toán và thanh tra. Bởi trên thực tế, một số ban, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, kiểm toán. Bên cạnh đó, việc sửa Luật Kiểm toán theo hướng nâng cao hiệu lực kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cần được lưu tâm nhằm tăng cường kỷ luật ngân sách…
Việc phân bổ nguồn vốn ngân sách cho phù hợp nhằm hỗ trợ các địa phương phát triển KT-XH và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân luôn là bài toán khó của bất kỳ quốc gia nào. Trước những dự báo về kinh tế năm 2013, cử tri cả nước đang chờ đợi những quyết sách phù hợp trong việc phân bổ hợp lý nguồn vốn ngân sách, qua đó từng bước đưa nền kinh tế phát triển ổn định, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: Khiếu kiện kéo dài phát sinh từ giá đất Chính phủ sẽ quy định những tài sản đất công đang bị bỏ hoang phải sử dụng phù hợp, cho thuê hoặc kiểm tra thu hồi. Bộ TN-MT đang đề nghị sắp tới, các cơ quan cũng phải thuê đất để sử dụng chứ không thể giao không, mà không thu tiền rồi sử dụng rất tùy tiện. Về việc giải phóng mặt bằng, muốn thực hiện tốt trước hết phải đánh giá xem mảnh đất đó như thế nào, nhưng điều quan trọng nhất ở đây là vấn đề liên quan tới giá đất. Trước đây, chúng ta quy định khung giá đất cho ba vùng đồng bằng, trung du, miền núi nên rất khó xác định giá vùng giáp ranh. Luật mới với những sửa đổi phù hợp sẽ bảo đảm tính chính xác hơn khi quy định về giá đất. Theo dự luật mới, khung giá đất cũng sẽ giữ ổn định trong thời gian nhất định. Căn cứ vào khung giá, UBND các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất cho phù hợp. Sự thay đổi phát sinh từ chính bảng giá này. Tuy nhiên, nguyên tắc tính giá đất là bám sát giá thị trường ở mức phù hợp. Song đi sâu vào vấn đề giá đất rất phức tạp nên sẽ có cơ quan chuyên tư vấn về giá và quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành, chứ trong Luật Đất đai không thể cụ thể hết được. Vấn đề giá đất luôn được người dân đặc biệt quan tâm và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài... Đại biểu La Ngọc Thoáng, đoàn Cao Bằng: Độc quyền vàng gây tổn hại to lớn cho người dân và doanh nghiệp Các chính sách về vàng đưa ra dường như không đạt được kết quả như mong muốn, nếu không nói là thất bại. Thị trường vàng không ổn định, giá cả lên xuống bất thường, giá vàng trong nước không được khơi thông với thị trường quốc tế, luôn cao hơn giá vàng thế giới. Quyết định sử dụng vàng SJC làm thương hiệu độc quyền đã tạo ra khoảng cách giá cả giữa vàng miếng SJC và các thương hiệu vàng khác trong nước, gây thiệt hại to lớn cho người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Có người đặt vấn đề từ vàng nguyên liệu chỉ cần bỏ ra một ít tiền để dập lại vàng thương hiệu SJC đã tạo khoảng lợi nhuận 1-2 triệu đồng, vậy lợi nhuận to lớn rơi vào túi ai? Đây thực sự là một câu hỏi mà người dân cần câu trả lời từ Ngân hàng Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu: Tại sao Nhà nước phải mua 60 tấn vàng trong khi giá cao? Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH cho thấy, cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Nhận định này khác với trình bày của Thống đốc vừa rồi là cơ chế quản lý vàng bước đầu đã mang lại kết quả cực kỳ quan trọng. Tôi cho rằng nhận định này còn có vẻ nhẹ nhàng, còn né tránh trước vấn đề rất nóng trong thời gian qua. Chúng ta đang ngồi đây và ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC và chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình. Từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai SJC và phần còn lại - bán sát giá vàng thế giới, còn SJC luôn cao hơn 2 - 3 triệu đồng. Thống đốc nói vừa rồi mua vào 60 tấn vàng, tại sao Nhà nước phải mua 60 tấn vàng trong khi giá cao, tại sao không nhập khẩu vàng từ nước ngoài nếu tỷ giá ổn định. Từ khi thực hiện chính sách này đã gây tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp kinh doanh vàng, cho người dân khi phải bù tiền để chuyển đổi nhưng nếu doanh nghiệp nào được chuyển đổi, được phép đội mũ SJC thì thu lợi rất lớn. |